English
02/012019
Bước tới để tiến lên

Ngày đầu năm mới, Ban Biên tập Website xin trích đăng lại những đánh giá về nền kinh tế Việt Nam trong năm qua, những dự cảm về năm mới của TS Trương Văn Phước - Quyền Chủ tịch Ủy ban đăng trên báo Tuổi trẻ số ra mới đây.

“Bước tới để tiến lên, nhưng trong kinh tế, nếu bước quá nhanh, tăng trưởng nóng, không bền vững có thể chựng lại, thậm chí phải lùi lại”.

Do vậy, những kết quả kinh tế – xã hội đạt được trong năm 2018 là nền tảng để đất nước bước tới để tiến lên vững chắc.

Tăng trưởng 2018 đạt 7,08%, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra 3 nguyên nhân chính, trong đó có sự bài bản hơn trong lãnh đạo chỉ đạo, sự đồng tình và đồng thuận của các tầng lớp nhân dân.

Càng có ý nghĩa khi năm 2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tác động rất lớn đến nền kinh tế thế giới, chứng khoán, ngoại hối, tiền tệ thế giới… chao đảo nhưng Việt Nam là một trong ít nền kinh tế có được sự ổn định.

Lẽ ra Việt Nam nhập siêu, nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân, giá cả. Nhưng năm 2018, Việt Nam xuất siêu hơn 7 tỉ USD.

Dự trữ ngoại hối tăng lên, tỉ giá hối đoái ổn định đã lan tỏa đến đời sống của mọi người dân, như giá cả ổn định, doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Lời dặn dò năm trước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng “đừng ngủ quên trên vòng nguyệt quế” đã được quán triệt trong năm 2018. Bởi đất nước còn nhiều khó khăn. Nền kinh tế Việt Nam quy mô chỉ 245 tỉ USD.

Nếu chúng ta tiếp tục bước tới, duy trì tăng trưởng cao hơn 7% trong hàng chục năm tới, không để xảy ra sơ suất, mới có quy mô GDP 500 tỉ USD.

Đằng sau những con số 7%, 245 tỉ hay 500 tỉ USD là công ăn việc làm, cơ hội làm giàu cho mọi người, là cuộc sống sung túc hơn…

Có duy trì được tăng trưởng bền vững mới không để những người khó khăn, thân cô thế cô tụt lại phía sau, mới hạn chế tối đa phân hóa giàu nghèo, mới đảm bảo được công bằng xã hội, mới giải quyết tốt phúc lợi cho toàn dân. Làm được thế, bước tiến tới mới trọn vẹn ý nghĩa.

Bước tới để tiến lên. Trên nền tảng của năm 2018, phải xử lý những trở ngại, thách thức như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là phải làm trong sạch bộ máy.

Việc quan trọng là bảo vệ doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính. Phải tạo điều kiện để cán bộ công chức yên tâm cống hiến.

Chính sách phải hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp đón bắt được những cơ hội, giảm thiểu những tác động tiêu cực.

Cả dân tộc đang khát khao tiến lên. Khơi dậy khát khao đó, trước hết phải từ cán bộ, công chức – những người làm chính sách và thực thi chính sách.

Những năm qua, chính sách mới đi một phần nhỏ vào cuộc sống. Năm 2019 phải có sự đột phá, chuyển động mạnh hơn từ những người làm chính sách, của cơ quan công quyền.

Người làm chính sách phải nhìn vào tiêu điểm là lợi ích của dân tộc, của quốc gia. Loại trừ tư tưởng vì lợi ích riêng tư. Đừng vì lợi ích của cá nhân, của một nhóm người mà làm mất đi cơ hội của cả dân tộc.

Đó chính là nền tảng để mọi cá nhân, mọi doanh nghiệp, thực hiện khát vọng của mình để làm giàu, để đóng góp cho đất nước.

TS. Trương Văn Phước – Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia