Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 1-5/1/2019.
Nghị quyết 01/NQ-CP: 4 trọng tâm, 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Ngày 1/1/2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Nghị quyết đưa ra 4 trọng tâm chỉ đạo điều hành và 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2019 gồm: 1- Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; 2- Thực hiện quyết liệt các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng; 3- Phát triển toàn diện, hài hòa các lĩnh vực văn hóa, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; 4- Phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; 5- Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; 6- Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật; xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân và doanh nghiệp; 7- Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; 8- Đẩy mạnh thông tin và truyền thông; tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể.
Những giải pháp chủ yếu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Mục tiêu của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh… nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh – EoDB (của WB) lên 15 – 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 – 7 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh – GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 – 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3 – 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo – GII (của WIPO) lên 5 – 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 – 3 bậc. Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 – 10 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10 – 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 – 10 bậc. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 – 15 bậc năm 2020.
Nghị quyết về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư BT
Chính phủ ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao.
Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 01/CT-TTg về việc tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Quy định nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2019/NĐ-CP về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.
Nghị định này quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm; nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.
Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bồi dưỡng cán bộ Hội liên hiệp Phụ nữ
Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tâm huyết với công tác phụ nữ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sâu sát cơ sở; hội tụ đầy đủ năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Đó là mục tiêu của Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 – 2025 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4 nội dung văn hóa công vụ
Đề án Văn hóa công vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Đề án này, văn hóa công vụ gồm 4 nội dung: 1- Tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; 2- Chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức; 3- Chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức; 4- Trang phục của cán bộ, công chức, viên chức.
Xây dựng KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực.
Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu xây dựng và phát triển vùng tỉnh Lâm Đồng trở thành vùng kinh tế động lực của khu vực Tây Nguyên, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, theo hướng hiện đại; là trung tâm nghiên cứu và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế, phát triển công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản…
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Long
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1824/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Vĩnh Long phấn đấu tổng sản phẩm địa phương (GRDP) đến năm 2020 chiếm tỷ trọng khoảng 6%-7% của vùng đồng bằng sông Cửu Long và chiếm khoảng 1%-2% của cả nước; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 1.950 USD. Tỷ trọng nông lâm nghiệp, thủy sản chiếm 28%, công nghiệp – xây dựng chiếm 25,6%, dịch vụ chiếm 46,4% trong cơ cấu kinh tế vào năm 2020; xuất khẩu đến năm 2020 đạt khoảng 530 triệu USD.
Chỉ đạo của Phó Thủ tướng về vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Long An
Vào lúc 15h ngày 2/1/2019 đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An do xe container biển kiểm soát 62C-043.48 từ tỉnh Long An đi thành phố Hồ Chí Minh đâm nhiều phương tiện đang dừng chờ đèn đỏ. Hậu quả làm 4 người chết và nhiều người bị thương. Ngay khi tai nạn xảy ra, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình – Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong; động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.
Để tránh xảy ra các vụ việc tương tự trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát hành trình, bảo đảm chức năng giám sát trực tuyến, phát hiện ngay các hành vi vi phạm (đi sai làn đường, quá tốc độ, ngắt thiết bị giám sát hành trình trong thời gian vận hành phương tiện…) để cảnh báo cho chủ xe và lái xe; đồng thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nhằm khắc phục triệt để các lỗi chủ quan của lái xe, chủ xe; hằng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo rà soát và có biện pháp xử lý triệt để các điểm đen có nguy cơ cao về tai nạn giao thông trên các tuyến quốc lộ, đường dân sinh, lối đi tự mở, đường ngang đường sắt. Rà soát, kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm…
Xử lý triệt để hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh giao các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương chỉ đạo các lực lượng trực thuộc tiếp tục tăng cường kiểm soát, điều tra, bắt giữ, xử lý triệt để đối với các hành vi buôn bán, vận chuyển trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.
Nguồn: chinhphu.vn