English
10/052024
Chính phủ yêu cầu NHNN kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, thao túng giá vàng

Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế.

Chính phủ yêu cầu NHNN kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ, thao túng giá vàng- Ảnh 1.

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4, Chính phủ đánh giá quản lý thị trường vàng thời gian qua còn bất cập, giá trong nước và quốc tế chênh lệch ở mức cao. Điều này ảnh hưởng tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả hơn các giải pháp để quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động, giao dịch trên thị trường, xử lý ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, đầu cơ, thao túng giá vàng…

Chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra trong bối cảnh kim loại quý tăng vọt, bất chấp Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường.

Cập nhật đến chiều 10/5, giá vàng SJC đồng loạt tăng mạnh lên mức kỷ lục 92 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn cũng tiếp tiếp tục tăng thêm 1,3 triệu đồng/lượng so với hôm qua. Hiện PNJ và SJC niêm yết 74,6-76,4 triệu đồng/lượng. Trong khi Bảo Tín Minh Châu áp dụng mức cao hơn là 75,28-76,78 triệu đồng/lượng. DOJI niêm yết 75,3-76,8 triệu đồng/lượng.

Trên thế giới, giá vàng cũng đang đà tăng mạnh, hiện đã lên 2.365 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá USD hiện hành, giá vàng quốc tế tương đương với gần 73 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế, phí). Như vậy, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế hiện lên tới 19 triệu đồng (chưa bao gồm thuế, phí).

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 5 lần thông báo tổ chức đấu thầu vàng miếng. Tuy nhiên, có tới 3 lần thất bại do không đủ số lượng doanh nghiệp bỏ phiếu. Hai lần tổ chức thành công là hôm 23/4 và 8/5 cũng chỉ bán được tổng cộng 6.800 lượng vàng (tương đương 8% lượng chào bán trong 5 phiên).

So với giai đoạn trước, kinh doanh vàng miếng hiện nay đã co hẹp và chỉ được giao dịch tại một số doanh nghiệp lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 26 đơn vị bao gồm cả NHTM và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với cơ quan này. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu.

Nguồn: An ninh Tiền tệ/cafef