Dịch viêm phổi do virus corona gây ra đã và đang tác động tiêu cực đến kinh tế Việt Nam cũng như sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu.
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Những ngày gần đây, việc chống dịch viêm phổi do virus corona được thực hiện nghiêm ngặt đã khiến việc vận chuyển, giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang quốc gia này. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc gần như tê liệt.
Nói về sự ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi đang bùng phát hiện nay, giáo sư kinh tế Warwick McKibbin thuộc Trường ĐH Quốc gia Australia cho hay, ảnh hưởng của đại dịch này lên nền kinh tế toàn cầu có thể lớn gấp 3 – 4 lần so với dịch SARS-CoV (Hội chứng hô hấp cấp) hồi năm 2003. Ước tính tổn thất lên đến 160 tỷ USD.
Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, ảnh hưởng của đại dịch virus corona tới kinh tế Việt Nam là tiêu cực và qua rất nhiều kênh. Thứ nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại. Hàng nông sản của Việt Nam hiện đang bị đình trệ và không xuất khẩu được.
Thứ 2, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, khách du lịch Trung Quốc sẽ không vào Việt Nam, khách du lịch từ các nước khác sẽ không đến những đất nước có dịch virus corona trong đó có Việt Nam, khiến doanh thu của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng….
“Các doanh nghiệp Việt Nam cần nhận thức rõ tình hình và cách tốt nhất là tìm những thị trường mới, chịu chấp nhận bán hàng với giá rẻ để mở rộng, khai phá các thị trường khác. Tôi nghĩ đây là tình hình rất cấp bách và cần có các biện pháp “không bình thường” để đối phó với một tình trạng không bình thường”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tính đến thời điểm hiện tại, dịch viêm phổi cấp corona đã có những tác động rất tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam, cụ thể là các mặt hàng trái cây như thanh long, dưa hấu… Ở chiều ngược lại, nhiều loại thực phẩm trong đó có thịt và các loại rau củ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam cũng đang bị hạn chế tối đa.
Cũng theo TS. Hiếu, những tác động tiêu cực sẽ không dừng lại ở 2 lĩnh vực đó, mà rất nhiều lĩnh vực khác như: kinh doanh, thực phẩm, du lịch, giao thông có thể bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, việc các công nhân của Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Việt Nam cũng sẽ bị hạn chế, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam.
Vị chuyên gia này phân tích, hiện tại, virus corona cũng đã tác động khá tiêu cực đến tình hình kinh tế thế giới, thời gian tới, dự đoán, sự tác động này còn mạnh mẽ hơn nữa bởi dịch đang có chiều hướng bùng phát mạnh và đây mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng.
Trong lĩnh vực tài chính, TS. Hiếu cho hay, do ảnh hưởng của đại dịch, tuần qua, chỉ số chứng khoán trên toàn thế giới đã giảm điểm, ở Việt Nam chỉ số này cũng giảm rất sâu. Trong tháng 2 sẽ tiếp tục có những biến động mạnh trên thị trường chứng khoán và thương mại toàn cầu. Với những diễn biến của dịch bệnh như hiện nay, nếu được kiểm soát thì phải hết tháng 3 tới tình hình mới ổn định trở lại.
Trong tháng 2 nếu không có những thông tin tích cực trong phòng, chống bệnh thì hậu quả sẽ thật khó lường.
Ông Hiếu cho rằng, Chính phủ cần theo dõi sự lây lan và phát triển của virus corona chặt chẽ, từ đó đưa đến cho người dân những thông tin chính xác nhất, giới đầu tư thì yên tâm, không bị hoang mang.
Về phía doanh nghiệp, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, với thị trường tiềm năng là Trung Quốc đang bị ảnh hưởng một cách nặng nề thì các doanh nghiệp Việt cần có những biện pháp để thay thế như xuất khẩu sang các nước khác, giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, đẩy mạnh chủ trương người Việt Nam dùng hàng Việt Nam để kích cầu tiêu dùng trong nước.
“Với lĩnh vực chứng khoán, các nhà đầu tư nên bình tĩnh để theo dõi tình hình và diễn biến của dịch bệnh, không nên quá vội vàng bán tháo cổ phiếu, đặc biệt, không nên “té nước theo mưa”, hùa theo bầy đàn để bán tháo mà không có cơ sở. Cùng với đó, theo dõi sát tình hình thị trường, nếu nhà đầu tư nào cẩn thận thì có thể chuyển dịch từ cổ phiếu, trái phiếu, công cụ tài chính mang tính rủi ro sang công cụ tài chính mang tính an toàn hơn. Chẳng hạn như chuyển sang cổ phiếu của các công ty mạnh hay mua trái phiếu Chính phủ để bảo đảm sự an toàn cho tài sản của mình”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh./.
Nguồn:vov.vn