CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo cập nhật kinh tế tháng 1 và triển vọng thị trường chứng khoán tháng 2/2019.
Theo BSC, trong tháng 1 vừa qua, thị trường xuất hiện khá nhiều thông tin đáng chú ý. Đầu tiên là nhiều chỉ tiêu kinh tế tháng 1 tích cực, báo hiệu năm 2019 khởi sắc.
Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 12,2% so cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%, FDI đăng ký tăng 27% trong khi FDI giải ngân tăng 9.2%, chỉ số CPI tăng nhẹ 0.1%. Hiện tượng nhập siêu đã xuất hiện trong tháng 1 với khoảng 800 triệu USD do nhu cầu hàng hóa cuối năm tăng cao. Dù vậy, Việt Nam đã tăng dự trữ ngoại tệ thêm 4 tỷ USD trong tháng 1, cùng với sự giảm giá của USD đã tăng thêm dư địa cho việc ổn định tỷ giá trong năm 2019. Hiệp định CPTPP cũng đã có hiệu lực 14/1 đang mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế.
Những chuyển biến tích cực trong tháng 1 nằm trong xu hướng đi lên của nền kinh tế trong năm 2018, sẽ tạo tiền đề cho việc hoàn thành các mục tiêu kinh tế xã hội trong bối cảnh môi trường kinh tế thế giới nhiều biến động và tiềm ẩn các yếu tố khó lường.
Các Công ty công bố KQKD quý 4 và năm tài chính 2018 khá tích cực. Tính đến 31/1, có 677/758 công bố KQKD năm 2018 với tổng mức lợi nhuận sau thuế đạt 197,4 nghìn tỷ, tăng trưởng 21,5% so với 2017. KQKD năm 2018 phân hóa khi có đến 302 công ty, chiếm 45% số công ty, tăng trưởng âm. 52 công ty chiếm 7,7% công bố lỗ trong năm 2018.
Trong 5 công ty công bố KQKD cải thiện mạnh nhất về lợi nhuận, VHM, VCB, ACB, MBB và GAS chiếm 75,6% của lợi nhuận tăng tuyệt đối 35.027 tỷ. Cùng với VHM và GAS, nhóm cổ phiếu Ngân hàng là nhóm có mức cải thiện lợi nhất tốt, tăng trưởng bình quân 33,9% so với 2018. Mùa đại hội cổ đông công bố kế hoạch kinh doanh 2019, chia cổ tức sẽ diễn ra ngay sau đó sẽ là thông tin hỗ trợ thị trường. Dòng tiền nội có thể quay lại sau kỳ nghỉ Lễ, vận động cùng chiều với khối ngoại hình thành các cơ hội rõ rệt hơn trong năm 2019.
FED nhiều khả năng sẽ giữ mức lãi suất 2,25 – 2,5% thêm một thời gian dài sẽ giảm bớt rủi ro biến động trên thị trường tiền tệ và chứng khoán. FED giữ nguyên lãi suất kỳ họp chính sách vào tháng 1. Thời điểm tăng lãi suất tiếp theo không rõ ràng và còn phụ thuộc vào những tín hiệu rõ ràng hơn của nền kinh tế. Động thái này được coi có thể đánh dấu chấm hết cho thời kỳ bình thường hóa chính sách tiền tệ kéo dài 3 năm qua. Tuy nhiên lãi suất dừng ở mức này cũng sẽ làm hẹp dư địa đối phó của FED với suy thoái xảy ra trong tương lai. Theo khảo sát của Bloomberg, khả năng tăng lãi suất tại kỳ họp tháng 3 và tháng 5 gần như không có, xác suất này tăng lên 7% trong kỳ họp tháng 6 và 7 và ở mức 10% vào tháng 9, 10 và 12. Dữ liệu này cũng cho thấy sự đồng thuận cao về khả năng FED không tăng lãi suất trong năm nay. FED không tăng lãi suất cũng sẽ hạn chế những biến động bất lợi từ tỷ giá qua đó tạo điều kiện cho dòng tiền quay lại khu vực thị trường mới nổi.
Vn-Index hướng đến mốc 960 điểm trong tháng 2
Trong tháng 1, thị trường biến động giằng co và tăng nhẹ, quay lại vùng giá an toàn. Theo BSC, xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 2 khi tâm lý sau kỳ nghỉ Lễ vẫn chiếm ưu thế. Tuy nhiên khi khối ngoại tiếp tục duy trì đà mua ròng như hiện tại, NĐT trong nước sẽ sớm bắt nhịp lại với thị trường. Kết quả cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nguyên thủ Mỹ – Trung trong tháng 2 sẽ ảnh hưởng mạnh đến kết quả dự báo.
Tuy vậy, BSC cho rằng Vn-Index sẽ tiếp tục duy trì đà tăng điểm nhẹ hướng tới 940 – 960 điểm trong tháng 2.
Trường hợp tích cực, Vn-Index sẽ tăng về sát 960 điểm với sự luân chuyển của các cổ phiếu lớn. Thanh khoản duy trì ở mức trung bình và có xu hướng tăng dần vào cuối tháng.
Trường hợp tiêu cực, Vn-Index có thể quay lại kiểm tra 900 điểm nếu có những thông tin không tích cực từ thế giới.
Nguồn: Trí thức trẻ