English
17/042024
Bức tranh CASA ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2024?

Tỷ lệ CASA của ngành ngân hàng đã liên tục tăng mạnh trong 3 quý cuối năm 2023, sau khi tạo đáy vào quý I. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục trong năm 2024 khi lãi suất tiết kiệm xuống thấp. Đây là tín hiệu tích cực đối với các nhà băng khi nguồn “tiền rẻ” đã phục hồi.

Những năm gần đây, gia tăng tỷ lệ CASA (tài khoản tiết kiệm không kỳ hạn) đã trở thành một trong những mục tiêu chiến lược của các ngân hàng. Ngân hàng nào duy trì được tỷ lệ CASA cao và ổn định sẽ có được nhiều lợi thế. Chính vì lẽ đó, cuộc cạnh tranh nhằm nâng cao tỷ lệ CASA trở nên cực kỳ quyết liệt, đặc biệt trong bối cảnh mà phần lớn các ngân hàng thương mại đều chú trọng đầu tư vào việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng số và miễn phí chuyển tiền.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng 2023, Top 3 tỷ lệ CASA vẫn được dẫn dắt bởi Techcombank, MB và Vietcombank, trong đó, chênh lệch giữa ngôi vương và á quân trong cuộc đua này là rất sít sao.

Bức tranh CASA ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2024?- Ảnh 1.

Trong số những ngân hàng ghi nhận sự phục hồi CASA ấn tượng phải kể đến Techcombank, khi số dư CASA của ngân hàng này tăng trong 3 quý liên tiếp. Riêng trong quý IV/2023, ngân hàng này ghi nhận CASA đạt 181,5 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ, giúp tỷ lệ CASA cải thiện lên mức 39,9%.

Techcombank hiện trở thành ngân hàng có biên lợi nhuận gần như là tốt nhất trong hệ thống, chính là nhờ có lượng CASA dồi dào và ổn định. Với nguồn CASA này, chi phí giá vốn hay giá huy động của ngân hàng cũng sẽ thấp hơn, và từ đó, giá cho vay giảm xuống. “Lý do tại sao Techcombank rất thành công trong hành trình chuyển đổi 4 năm vừa qua, bởi chúng tôi có những năng lực để có thể cạnh tranh với những ngân hàng quốc doanh của Việt Nam liên quan tới chính sách giá (lãi suất). Tỷ lệ CASA là một trong những mục tiêu quan trọng trọng trong hoạt động kinh doanh của Techcombank, để từ đó, hiện thực hóa những chiến lược nguồn vốn giá rẻ và thúc đẩy tăng trưởng” ông Alex Macaire, Giám đốc Tài chính tập đoàn (CFO) Techcombank, cho hay.

Ba động lực thúc đẩy CASA

Chia sẻ về kinh nghiệm thu hút CASA, ông Phùng Quang Hưng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, động lực tăng trưởng CASA đến từ hai nguồn giao dịch chính của khách hàng là giao dịch hàng ngày như chi tiêu gia đình, du lịch… và giao dịch phục vụ nhu cầu tích lũy, đầu tư để tối ưu hóa tài sản.

Nắm được điều này, ngân hàng đã tập trung vào 3 trụ cột quan trọng để tăng trưởng CASA. Đầu tiên là giải pháp thúc đẩy giao dịch, đưa trải nghiệm, sản phẩm liên quan đến giao dịch mang tính chất may đo, cá nhân hóa đến từng khách hàng. Ở cấp độ doanh nghiệp lớn, nhà sản xuất, Techcombank đưa ra giải pháp quản lý dòng tiền, tối ưu thanh khoản.

Thứ hai là thúc đẩy tín dụng, cấp vốn cho khách hàng để thúc đẩy tiêu dùng và sản xuất. Theo ông Hưng, ngân hàng hướng đến giúp khách hàng tiếp cận tín dụng dễ dàng nhất, phù hợp nhất nhưng vẫn quản trị được rủi ro, duy trì chi phí ở mức lành mạnh. Bởi lẽ, trong tiêu dùng hay trong kinh doanh, khách hàng luôn có nhu cầu vốn, nếu đáp ứng được nhu cầu đó thì sẽ thúc đẩy được giao dịch, thúc đẩy kinh doanh, qua đó mang lại CASA tăng trưởng cho ngân hàng.

Cuối cùng, đối với các sản phẩm đầu tư và tối ưu hóa tài sản, ngân hàng giúp khách hàng có nhiều tài sản đầu tư theo những khẩu vị rủi ro khác nhau, đạt hiệu suất tốt nhưng đảm bảo bền vững chứ không đánh đổi rủi ro không lường trước.

Bức tranh CASA ngân hàng sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2024?- Ảnh 2.

Techcombank là ngân hàng đang dẫn đầu thị trường về CASA

Trong cuộc trao đổi cùng báo giới hồi tháng 3/2024, CFO của Techcombank cũng khẳng định “vị thế tiên phong về thanh toán thẻ đã tạo nền tảng cho động lực CASA của chúng tôi”. Techcombank là ngân hàng đứng đầu về thẻ tín dụng tại Việt Nam, chiếm hơn 20% thị phần về thanh toán Visa. Khối lượng giao dịch trên nền tảng số của chúng tôi đã tăng 57% từ tháng 1 đến tháng cuối của năm 2023. Techcombank cũng đã đạt được những thành tựu đáng kể với các giải pháp thanh toán doanh nghiệp, bao gồm giải pháp bao thanh toán nghịch, chiết khấu động và tài trợ nhà phân phối. Do đó, số dư CASA từ khách hàng doanh nghiệp của nhà băng đã tăng 59% vào năm 2023, chiếm hơn 40% tổng cơ sở CASA của Techcombank.

Sự dẫn dắt từ tiền gửi của nhóm khách hàng doanh nghiệp

Theo các chuyên gia, CASA trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục, thu nhập của người dân tốt hơn dẫn đến nhu cầu chi tiêu tăng lên, điều này khiến tiền trong tài khoản thanh toán sẽ nhiều hơn giúp cho CASA của ngân hàng được cải thiện.

Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định, việc lãi suất huy động liên tục giảm đã tác động tích cực đến tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) từ khoảng giữa năm 2023. Các chuyên gia phân tích kỳ vọng tỷ lệ CASA sẽ tiếp tục phục hồi trong các quý tới của năm 2024, khi lãi suất huy động kém hấp dẫn, qua đó giảm chi phí huy động cho ngân hàng.

“Các doanh nghiệp gia tăng lượng tiền mặt do nhu cầu chi tiêu lớn mùa cuối năm là yếu tố thúc đẩy CASA quý IV/2023 tăng đột biến. Chúng tôi kỳ vọng Techcombank sẽ khôi phục và duy trì vị thế số 1 về CASA trong những năm tiếp theo nhờ lượng tiền gửi từ nhóm khách hàng doanh nghiệp tăng trở lại cùng với nền kinh tế được phục hồi”, MBS cho hay.

Nguồn: An ninh Tiền tệ/CafeF