Theo Dự thảo “Thông tư Quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng , chi nhánh ngân hàng nước ngoài”, các ngân hàng dự kiến phải giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn theo lộ trình những năm tới.
Cụ thể, các ngân hàng có thể sẽ phải đưa tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn về mức 35% năm 2020 và về 30% đến năm 2021.
Trong năm 2019, các ngân hàng phải đưa tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn về mức 40% thay vì 45% như quy định trước đó.
Báo cáo Ngân hàng SHB từng đánh giá, việc đưa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ giảm từ 45% xuống còn 40% trong bối cảnh lãi suất chịu nhiều áp lực, huy động trung dài hạn hiện nay vẫn rất khó khăn là một thách thức cho các ngân hàng.
Dù vậy, báo cáo của 20 ngân hàng cho thấy, có 14 ngân hàng công bố tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn cuối năm 2018, và đều dưới mức 40% gồm: Nam A Bank, SCB, Techcombank, BIDV, HDBank, ACB, TP Bank, Kienlong Bank, MBB, VPBank, VIB, Sacombank, OCB, Bac A Bank .
5 ngân hàng còn lại gồm: Vietinbank, Vietcombank , LienVietPost Bank, SHB, VietA Bank không công bố tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn.
ABBank trong cuộc trao đổi với phóng viên bên lề đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 cho biết, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn của ngân hàng này đang trong mức quy định cho phép.
Đối với nhóm 14 ngân hàng công bố tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn, hầu hết tỷ lệ này đều trên 30% trong đó: Bac A Bank có tỷ lệ này cao nhất 39,6%; OCB là 37,6% xếp thứ 2; Sacombank 37,4% xếp thứ 3. Nam A Bank, SCB đang có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn ở mức khá thấp lần lượt 16,7% và 20,4%. Ngoài ra, các ngân hàng như Techcombank có tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn khoảng 30%, HDBank khoảng 32%.
Các ngân hàng hầu hết đều có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2019 và tìm kiếm nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức quốc tế với kỳ hạn dài và chi phí thấp, hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài nhằm tăng nguồn vốn trung và dài hạn, giảm thiểu áp lực trong việc giảm dần tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn trong tương lai.
Trong 20 năm qua, Ngân hàng Nhà nước đã có 7 lần thay đổi quy định về tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung dài hạn, trong đó có giai đoạn từ tháng 10/2010 đến tháng 1/2015, Ngân hàng Nhà nước “mở” quy định về tỷ lệ giới hạn nói trên từ Thông tư 13/2010/NHNN. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36/2014/NHH quy định trở lại tỷ lệ giới hạn 60% rồi giảm về 45% và về 40% từ ngày 1/1/2019.
Trong quá khứ, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống ngân hàng có lúc xuống mức chỉ 7,58% (tháng 4/2012) và cao nhất 34,6%; hiện đang ở mức khoảng 28,42% vào tháng 2/2019.
Nguồn: BizLive/CafeF.vn