Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (Moody’s) mới đây đã cập nhật mức xếp hạng đối với một loạt ngân hàng Việt Nam.
Cụ thể, có 8 ngân hàng được nâng một bậc với xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn và 7 ngân hàng được nâng một bậc với xếp hạng rủi ro đối tác.
Việc tăng hạng được đưa ra sau khi Moody’s nâng hạng “Sức mạnh tín dụng quốc gia của Việt Nam” từ Ba3 lên Ba2. Moody’s tin rằng Chính phủ Việt Nam có nhiều khả năng hỗ trợ hơn cho các ngân hàng trong nhóm được nâng hạng lần này khi cần thiết.
Theo Moody’s, kết quả tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã diễn biến tích cực trong năm 2021 bất chấp ảnh hưởng từ sự bùng phát của dịch bệnh. Doanh thu tăng đáng kể khi tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) tiếp tục mở rộng, điều này dẫn đến tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) gia tăng dù phải đẩy mạnh dự phòng rủi ro cho vay. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ có vấn đề giảm nhờ các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý, trong khi sức khỏe nguồn vốn được cải thiện.
Hãng xếp hạng này cho biết, ROA bình quân của các ngân hàng được xếp hạng đã tăng lên 1,4% vào năm 2021 từ mức 1,2% trong năm 2020 nhờ thu nhập lãi thuần gia tăng. Trong đó, NIM mở rộng nhờ chi phí huy động giảm trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào và đẩy mạnh thu hút tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm lãi suất thấp.
Moody’s dự báo ROA của các ngân hàng được xếp hạng sẽ tiếp tục tăng trong 2022 khi áp lực dự phòng rủi ro giảm dần.
Việc nâng hạng hệ số tín nhiệm sẽ giúp nâng cao uy tín và hỗ trợ hoạt động huy động vốn nước ngoài của các nhà băng. Theo giới phân tích, các khoản vay quốc tế không chỉ giúp tiết kiệm chi phí vốn mà còn hỗ trợ các ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung và dài hạn bằng nội tệ và ngoại tệ ngày càng cao của khách hàng. Qua đó giúp các nhà băng có đà tăng tốc hơn trong quý cuối của năm 2022 và những năm tới.
Tại lần cập nhật này, TPBank là một trong 8 ngân hàng được Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức Ba3, triển vọng ổn định. Đây là lần thứ 2 Moody’s đưa ra đánh giá tích cực về ngân hàng chỉ sau vài tháng giữ nguyên mức xếp hạng tín nhiệm B1 triển vọng tích cực trước đó.
Moody’s đánh giá TPBank sở hữu khả năng sinh lời tốt, chất lượng tài sản an toàn, nền tảng vốn vững chắc và khả năng thanh khoản cao.
Mặt khác, Moody’s cũng kỳ vọng chất lượng tài sản của TPBank sẽ vẫn ổn định nhờ nền kinh tế Việt Nam phục hồi sau đại dịch Covid-19. ‘’Khi chất lượng tài sản ổn định, chúng tôi kỳ vọng chi phí tín dụng của ngân hàng sẽ giảm, qua đó hỗ trợ tăng trưởng ROA trong 12-18 tháng tới.’’, hãng xếp hạng cho biết.
Không chỉ được Moody’s nâng hạng, nhiều ngân hàng cũng đón tin vui khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng với mức nới room dao động trong khoảng 0,7 – 4% so với hạn mức cũ. Trong đó, những nhà băng được nới room nhiều nhất gồm: Sacombank (4%); Agribank (3,5%); MB (3,2%); SHB (3,2%); OCB (3,2%); VIB (3%); Vietcombank (2,7%); TPBank (1,2%)…
Đây là một thông tin rất có lợi cho các ngân hàng, một mặt giúp các ngân hàng duy trì nền tảng khách hàng, mặt khác cũng đảm bảo được tăng trưởng cho các ngân hàng khi mà 6 tháng đầu năm room đã đầy hết và dư địa tăng trưởng yếu đi. Trong bối cảnh lãi suất tăng lên, room mới sẽ giúp cho ngân hàng có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng nguồn thu từ lãi.
Giới chuyên môn nhận định, động thái nới room tín dụng sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng như diễn biến cổ phiếu.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng Khoán Yuanta Việt Nam nhận định: “việc nới room có tác động đến thị trường chứng khoán. Hiện nay, khi tín dụng của các ngân hàng được mở, thúc đẩy tăng trưởng sẽ là yếu tố tích cực tới cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này là động lực dẫn dắt chính của thị trường vào thời điểm cuối năm trong bối cảnh cổ phiếu bất động sản và chứng khoán dự báo vẫn còn khó khăn”.
Trong báo cáo mới phát hành, FiinGroup cho rằng NHNN vẫn đang điều hành dựa trên hạn mức tín dụng đã cấp từ đầu năm (14%) và trên thực tế, đa phần các ngân hàng đã sử dụng hết ”room” được cấp, cho thấy bức tranh tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm có thể rất khác biệt với nửa đầu năm.
Theo nhóm phân tích, từ đầu năm, NHNN không giao hết chỉ tiêu 14% tăng trưởng tín dụng mà chỉ giao khoảng 11,5% room, phần còn lại (khoảng 3,5%) sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng hội tụ được 3 tiêu chí: có hệ số an toàn vốn cao; có tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực bất động sản thấp, có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp; và hỗ trợ NHNN trong việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.
”Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm ”room” tín dụng trong đợt tới”, FiinGroup đánh giá.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế/CafeF.vn