English
05/072019
Các ngân hàng yếu kém đắt khách

Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém nói riêng, tổ chức tín dụng yếu kém nói chung vẫn đang là trọng tâm của ngành ngân hàng. Hiện có 3 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại 0 đồng bao gồm Ngân hàng Xây dựng – CBBank; Ngân hàng Dầu khí GPBank và Ngân hàng Đại Dương Oceanbank. Ngoài ra còn có DongABank là ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt.

Việc tái cơ cấu các ngân hàng nói trên được đề cập nhiều lần và cũng có không ít lần xuất hiện thông tin (từ năm 2016) có đối tác nước ngoài là những định chế tài chính hàng đầu, có kinh nghiệm lâu năm trong hoạt động tái cơ cấu đến tìm hiểu, đàm phán và muốn mua lại toàn bộ.

Trong báo cáo gửi Quốc hội hồi tháng 5 vừa qua, NHNN cập nhật thông tin rằng đang tích cực triển khai các bước cơ cấu, xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng trước đây. Trong đó, NHNN đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phương án chuyển nhượng và cơ cấu lại OceanBank sau chuyển nhượng cho nhà đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, phương án cơ cấu lại các ngân hàng GPBank, CBBank và DongABank đang được khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng qui định của pháp luật.

Ở một diễn biến khác, tại buổi gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong khuôn khổ Hội nghị G20 mới đây, ông Nobiru Adachi, Chủ tịch Ngân hàng J.Trust cho biết đã nghiên cứu, tính toán kỹ các chỉ số tài chính của CBBank và đã gửi bản chào tham gia mua lại để tái cơ cấu ngân hàng này đến NHNN. Ông Nobiru Adachi còn khẳng định nếu được tạo điều kiện thì trong thời gian ngắn sẽ cải tổ được CBBank và sớm đưa ngân hàng này trở lại vị thế trước đây.

Còn tại cuộc gặp gỡ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các doanh nghiệp có làm ăn kinh doanh tại Việt Nam mới đây, trong đó Thủ tướng có tiếp ông Han Chang-woo, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Maruhan, ông Han Chang-woo đã bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện của Thủ tướng, Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam trong tiến trình tham gia tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam, qua đó cống hiến cho sự phát triển của nền tài chính cũng như phát triển kinh tế Việt Nam.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, tại buổi tiếp lãnh đạo tập đoàn Maruhan vừa qua còn có sự tham dự của chủ tịch OceanBank là ông Đỗ Thanh Sơn. Trước đó, trong cả 2 cuộc Hội nghị triển khai kế hoạch hoạt động năm 2018 và năm 2019 của OceanBank cũng đều có sự tham dự của các lãnh đạo cấp cao tập đoàn này.

Không chỉ J. Trust và Maruhan mà còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Công ty Srisawad Corporation (Thái Lan), Tập đoàn Clermont (Singapore)… bày tỏ mong muốn được mua lại, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng, tổ chức tín dụng yếu kém của Việt Nam. Trong đó Srisawad Corporation thể hiện rõ thiện chí muốn mua lại Công ty tài chính thua lỗ của Agribank, chấp nhận trả các khoản nợ và lỗ của công ty này tới hơn 500 tỷ đồng. Còn Tập đoàn Clermont – vốn đang sở hữu Y Khoa Hoàn Mỹ ở Việt Nam thì “muốn đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng thông qua việc tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung”.

Và không chỉ có nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại ngân hàng yếu kém của Việt Nam mà có cả những nhà đầu tư trong nước cũng rất… mặn mà. Một nguồn tin cho chúng tôi biết, hiện có nhà đầu tư là ngân hàng khỏe đang muốn tái cơ cấu lại một ngân hàng yếu kém. Nếu phương án này được thông qua thì đây sẽ là lần đầu tiên ở Việt Nam có cách tái cơ cấu như vậy với ngân hàng, đó là ngân hàng trong ngân hàng. Tức là ngân hàng khỏe sẽ thực hiện hỗ trợ cho ngân hàng yếu kém tái cơ cấu một cách độc lập để vực dậy ngân hàng đó – khác hẳn các cách làm tái cơ cấu cũ là sáp nhập với nhau; và cũng không giống kiểu hỗ trợ của nhóm ngân hàng nhà nước với các ngân hàng yếu kém hiện nay.

Nguồn: Trí thức trẻ