Các quỹ đầu tư đang chuẩn bị cho một đợt giảm mới trên các thị trường chứng khoán vì ngày càng nhiều chuyên gia cho rằng đà tăng giá của các tài sản không phản ánh được các vấn đề kinh tế trong tương lai.
Một số nhà quản lý quỹ lo sợ giới đầu tư chứng khoán đã quá tự mãn khi cho rằng các nền kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19 cũng như các gói kích thích kinh tế từ ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ có tác động tích cực. Kết quả, tính đến hết phiên 3/6, chỉ số S&P 500 đã có đợt tăng 50 ngày mạnh nhất lịch sử, theo LPL Financial.
“Các thị trường đang được định giá bởi sự hoàn hảo. Sự ổn định trên thị trường chứng khoán không phản ánh được tình trạng mất việc làm cũng như nguy cơ mất khả năng thanh toán của khối doanh nghiệp trên phạm vi toàn cầu”, ông Danny Yong, đối tác sáng lập tại quỹ đầu tư Dymon Asia Capital, nói.
Yong đang mua các hợp đồng quyền chọn với các chỉ số cổ phiếu và những đồng tiền nhạy cảm với rủi ro, như đôla Australia (AUD) và won của Hàn Quốc. Hợp đồng quyền chọn sẽ giúp nhà đầu tư bảo vệ được tài sản khi thị trường giảm, bởi họ có thể bán với giá được xác định trước.
“Tôi tin rằng thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ rơi xuống các đáy mới vào cuối năm nay. Những gì đã xảy ra vào tháng 3 cho chúng ta thấy giá cổ phiếu không thể tách biệt khỏi các yếu tố kinh tế cơ bản quá lâu”, ông Yong cho hay.
Các nhà quản lý quỹ khác cũng bày tỏ lo ngại về khả năng thị trường cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ từ mức đáy của tháng 3.
Stanley Druckenmiller, “đồ đệ” của tỷ phú George Soros (người đã rút lui khỏi giới quản lý quỹ vào 10 năm trước), mới đây cho biết sẽ xảy ra một làn sóng phá sản và sự phục hồi kinh tế theo hình chữ V chỉ là một ảo mộng.
Cũng trong một bức thư gần đây gửi cho nhà đầu tư, ông Paul Singer của Elliott Management, một quỹ quản lý khối tài sản 40 tỷ USD, nhận định tác động của cuộc suy thoái kinh tế hiện nay lớn hơn nhiều so với khủng hoảng tài chính năm 2008. “Chúng tôi dự đoán thị trường cổ phiếu toàn cầu cuối cùng sẽ giảm 50% hoặc hơn so với đỉnh được ghi nhận hồi tháng 2”.
Elliott Management là một trong số ít quỹ có lời trong quý I nhờ các giao dịch phòng vệ trên thị trường cổ phiếu và tín dụng. Tuy nhiên, quỹ đang phải tìm phương pháp mới để tự bảo vệ khỏi một đợt giảm giá khác của thị trường vì một số giao dịch phòng vệ giá ngày càng trở nên đắt đỏ.
Với nhiều chỉ báo kinh tế cho thấy sự suy yếu, như hơn 40 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu và kinh tế eurozone dự báo giảm kỷ lục trong quý II, S&P 500 vẫn tăng gần 40% kể từ mức đáy hồi tháng 3 và chỉ giảm 3% kể từ đầu năm nay. Chỉ số này hiện giao dịch gấp hơn 22 lần so với lợi nhuận dự kiến cho 12 tháng tới, mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000, theo FactSet.
S&P 500 tăng gần 40% kể từ mức đáy hồi tháng 3 trong khi các nền kinh tế vẫn còn nhiều vấn đề. |
Ông Yong tin rằng nhà đầu tư có thể sớm nhận ra ra rằng “Fed put”, một khái niệm về sự hỗ trợ của Fed đối với thị trường, sắp chạm giới hạn.
“Theo một số chuyên gia, các biện pháp phi truyền thống của Fed là không giới hạn nhưng đây không phải là trường hợp như thế. Bây giờ là ‘Trump put’, tức là Tổng thống Donald Trump có thể thông qua thêm bao nhiêu gói kích thích nữa. Tôi nghĩ ông ấy sẽ bị đảng Dân chủ cản lại tại Hạ viện”.
Theo một thông báo gần đây của Morgan Stanley gửi tới các khách hàng, ngân hàng này đang đặt một lượng vị thế bán ròng trị giá khoảng 40 tỷ USD đối với chỉ số Euro Stoxx 50. Ngoài ra, các quỹ vĩ mô toàn cầu cũng giảm mạnh tỷ trọng với cổ phiếu trong năm nay, theo JPMorgan Cazenove.
“Một đợt rúng động khác hoàn toàn có thể xảy ra trong quý IV. Làn sóng mất việc làm lần thứ 2 cũng tình trạng kinh doanh thất bại kéo dài sẽ ‘thử lửa’ tâm lý thị trường chứng khoán”, Seema Shah, trưởng phòng chiến lược tại Principal Global Investors dự đoán.
Trong khi đó, Francesco Filia, giám đốc quỹ đầu tư Fasanara Capital, cho biết 70% tài sản của quỹ đang là tiền mặt. Quỹ dự kiến mua hợp đồng quyền chọn cũng các công cụ khác để bảo vệ cho danh mục đầu tư trong thời gian chờ đợi đợt sụp đổ tiếp theo của thị trường.
Ông Filia cho biết bản thân nhìn thấy các rủi ro từ xu hướng toàn cầu hóa đảo ngược (deglobalization), yếu tố có thể khiến lạm phát lên cao hơn cũng như kích thích giới chính trị can thiệt nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ. Điều này có thể gây tổn hại tới lợi nhuận của các cổ động. Ông dự đoán một cuộc khủng hoảng thanh khoản giống năm 2008 xảy ra vì giới đầu tư cố gắng rút tiền khỏi các ETF. Và tất nhiên, các quỹ này sẽ đứng vững trước làn sóng rút vốn đó.
Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý quỹ vẫn e dè trong việc đặt cược thị trường cổ phiếu đi xuống sau những nỗ lực kích thích từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Nguồn: Người Đồng hành/Financial Times