English
29/032021
Cần hỗ trợ ngân hàng để cùng doanh nghiệp vượt khó

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam, từ đầu năm 2020, các tổ chức tín dụng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ khách hàng, như: Giảm phí dịch vụ, thanh toán; chủ động rà soát tình hình sản xuất – kinh doanh, mức độ bị ảnh hưởng, dòng tiền kinh doanh của khách hàng để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… Tuy nhiên, thời gian qua, việc cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, các tổ chức tín dụng đã chịu áp lực, khó khăn trong việc phải loại dự thu đối với những khoản nợ cơ cấu. Bên cạnh đó, sắp tới đây, các tổ chức tín dụng còn phải trích lập dự phòng rủi ro trong thời gian 3 năm (theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 01 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng dịch Covid-19). Do vậy, rất cần chính sách hỗ trợ bổ sung như nói trên.

Thực tế cho thấy trong giai đoạn hiện nay, để có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, nhiều NH đang phải tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng để giảm lãi suất cho vay đối với khoản vay hiện hữu và khoản cho vay mới. Vì thế, ngành NH rất cần được hỗ trợ để cùng doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch Covid-19.

Từ thực tiễn đó, Hiệp hội NH Việt Nam kiến nghị trong trường hợp đại dịch Covid-19 vẫn tiếp tục kéo dài và ảnh hưởng lớn đến an toàn hệ thống, Chính phủ cần xem xét ban hành nghị định cho phép các NH được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01, tạo điều kiện để NH yên tâm cho vay mới. Đồng thời, cho phép NH thương mại nhà nước được tăng vốn điều lệ thông qua giữ lại lợi nhuận hằng năm, hoặc chia phần cổ tức của nhà nước bằng cổ phiếu; tăng vốn từ nguồn ngân sách nhà nước…

Trước đó, thông tin về định hướng sửa đổi Thông tư 01, Phó Thống đốc Thường trực NNNN Đào Minh Tú khẳng định việc hỗ trợ DN vượt khó tiếp tục là mục tiêu trọng tâm của ngành NH. NHNN sẽ kết hợp hài hòa giữa chính sách hỗ trợ cho DN bằng việc tiếp tục tái cơ cấu các khoản nợ còn lại đến hạn và cho phép các tổ chức tín dụng đánh giá thực chất các khoản tín dụng. Từ đó, có thể trích lập dự phòng rủi ro nhằm bảo đảm năng lực tài chính, sự an toàn nền tài chính quốc gia trong trung hạn và dài hạn.

Ghi nhận của Báo Người Lao Động, thời gian qua, không chỉ NH mà cả DN cũng “sốt ruột”, mong mỏi chờ ban hành thông tư sửa đổi Thông tư 01 về tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ. Nếu thông tư không được ban hành kịp thời, DN lo lắng sẽ không được tiếp tục cơ cấu lại khoản nợ, bị chuyển nhóm nợ và ảnh hưởng đến việc vay vốn.

Nguồn: báo Người Lao động