Không chỉ Việt Nam, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đều biến động theo chiều hướng đi xuống. Ngược lại, các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,… lại chứng kiến sự khởi sắc.
Đêm nay, UEFA Euro 2024 sẽ chính thức khởi tranh với sự góp mặt của 24 đội bóng hàng đầu Châu Âu. Người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới đang háo hức chờ đợi tiếng còi khai cuộc ngày hội bóng đá hấp dẫn nhất năm. Dù vậy, không ít chứng sỹ yêu bóng đá tại Việt Nam sẽ cảm thấy kém vui trong ngày hôm nay khi thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ giảm mạnh.
Áp lực bán đè nặng trên diện rộng khiến hầu hết các nhóm cổ phiếu như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép… chìm trong sắc đỏ. Chỉ một vài điểm sáng trong nhóm viễn thông, công nghệ vẫn giữ được sắc xanh. VN-Index kết phiên 14/6 đánh rơi 21,6 điểm (-1,66%) xuống dưới 1.280 điểm. Giao dịch rất sôi động với thanh khoản khớp lệnh trên HoSE đạt gần 27.000 tỷ đồng.
Biến động các chỉ số chứng khoán Việt Nam ngày 14/6
Mức giảm 1,66% đưa VN-Index trở thành chỉ số giảm mạnh nhất Châu Á trong ngày 14/6. Không chỉ Việt Nam, hầu hết các thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á đều biến động theo chiều hướng đi xuống. Ngược lại, các thị trường phát triển hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ,… lại chứng kiến sự khởi sắc.
Phiên giảm có phần bất ngờ diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào vùng trũng thông tin sau mùa ĐHĐCĐ với nhiều kỳ vọng tăng trưởng cao so với thực tế. Theo SGI Capital, định giá chung không còn rẻ và nhóm doanh nghiệp phi tài chính đã vào vùng đắt. Thanh khoản và dòng tiền có dấu hiệu suy yếu với tỷ lệ vay margin/vốn hóa cao kỷ lục. Các cân đối này đang cho thấy rủi ro tăng lên và mức độ hấp dẫn của thị trường giảm đi.
Bên cạnh đó, áp lực bán ròng không ngớt từ khối ngoại cũng tác động đến tâm lý thị trường. Từ đầu tháng 6, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 7.000 tỷ đồng trên HoSE qua đó nâng tổng giá trị bán ròng luỹ kế từ đầu năm lên hơn 42.500 tỷ đồng. Trước đó, trong tháng 5, chứng khoán Việt Nam đã hứng chịu lực bán ròng mạnh nhất từ trước đến nay với giá trị 15.600 tỷ đồng tính riêng trên HoSE.
Theo SGI Capital, khối ngoại bán ròng triền miên có thể đến từ lo ngại rủi ro tỷ giá khi nền lãi suất VND hạ thấp so với thế giới, thoái vốn một số nhóm cổ phiếu có rủi ro cục bộ cao, và ảnh hưởng từ xu hướng rút ròng chung khỏi nhóm các thị trường mới nổi… Quỹ đầu tư này nhận định xu hướng này hiện chưa có dấu hiệu kết thúc hoặc đảo chiều.
Kể từ 1/2020, khối ngoại đã bán ròng hơn 110.000 tỷ, phát hành cho cổ đông hiện hữu 160.000 tỷ và cổ đông nội bộ/cổ đông lớn đã bán 30.000 tỷ. Hơn 300.000 tỷ nguồn cung này được hấp thụ bởi nhà đầu tư nội thông qua một nửa là tiền nộp mới và một nửa là dư nợ margin tăng thêm. Hệ quả là mức margin/vốn hoá đã tăng lên mức kỷ lục 3,7% tính trên vốn hoá HoSE cuối quý 1/2024.
Trong bối cảnh áp lực bán ròng khối ngoại tăng kỷ lục, các đợt phát hành tăng vốn mới đang tăng tốc và cổ đông nội bộ tăng bán gần đây, thị trường cần dòng tiền nộp mới gia tăng mạnh để duy trì xu hướng tích cực một cách bền vững. Nhưng thanh khoản trên thị trường lại đang giảm đi gần đây, dòng tiền nội đã không tăng lên đủ mạnh và tỷ lệ margin tiếp tục tăng lên đỉnh cao mới.
Về mặt điểm số, báo cáo mới đây của VDSC kỳ vọng VN-Index sẽ giao dịch trong biên độ 1.250-1.320 trong tháng 6. Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng diễn biến vĩ mô tích cực có thể giúp chỉ số duy trì động lượng vượt đỉnh cũ ngắn hạn mới đây. Ở chiều ngược lại, áp lực tỷ giá mạnh hơn có thể khiến NHNN khó giữ được định hướng mặt bằng lãi suất hiện tại và gián tiếp tác động tiêu cực lên kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như điểm số của thị trường.
Với kỳ vọng triển vọng tăng trưởng kinh tế quý 2 khả quan sẽ lấn át bối cảnh không mấy thuận lợi của thị trường tiền tệ, đội ngũ phân tích cho rằng nhà đầu tư vẫn có thể tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp mà lợi nhuận có thể phục hồi dần theo quý, hoặc tăng trưởng theo năm trong các nhịp giằng co của thị trường trong tháng 6.
Nguồn: An ninh tiền tệ/ cafef.