Basel là một trong những chuẩn mực quản trị rủi ro được áp dụng tại hầu hết các ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới từ nhiều năm qua. Tại Việt Nam, từ năm 2017 trở về trước, khái niệm Basel II còn khá xa lạ, nhưng từ cuối năm 2018 đến nay nó đã trở nên quen thuộc hơn với thị trường.
Sự quen thuộc ấy là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ cách đây 6 năm đã giao cho 10 ngân hàng áp dụng thí điểm Basel II về an toàn vốn (trụ cột thứ nhất của Basel II) – mà sau đó đến cuối năm 2016 được cụ thể hóa tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (Thông tư 41). 10 cái tên được chọn để thí điểm là những ngân hàng lớn nhất lúc bấy giờ, bao gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, Sacombank, MB, Techcombank, ACB, VIB, Maritime Bank (MSB) và VPBank.
Để áp dụng Basel II, các ngân hàng buộc phải chuẩn bị kỹ lưỡng và tăng cường đầu tư cả về nhân lực, công nghệ lẫn chi phí vận hành để chuẩn hóa về quản trị rủi ro theo đúng chuẩn quốc tế – vốn khắt khe hơn nhiều so với tiêu chuẩn của Việt Nam. Áp dụng tiêu chuẩn này, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng có thể giảm đi khoảng 1,5 cho đến 3 điểm phần trăm, tức CAR hiện tại từ 10-11% trở lên thì theo chuẩn mới mới có thể đạt trên 8% – là mức tối thiểu theo yêu cầu.
Đến cuối tháng 11 năm 2018, hai ngân hàng đầu tiên trong danh sách những nhà băng được lựa chọn đã được NHNN chấp thuận áp dụng thông tư 41 sớm, đó là Vietcombank và VIB. Tại thời điểm đó, lãnh đạo NHNN cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng đáp ứng Basel II sớm trong việc tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới.
Động thái của NHNN đã tiếp thêm sức mạnh cho các ngân hàng còn lại. Vào đầu năm nay, NHNN tiếp tục thẩm định và xác nhận thêm 7 thành viên mới triển khai thành công Basel II ngay trong năm 2019, trước thời hạn quy định 2020. Hai trong số đó là OCB và TPBank đã được chấp thuận áp dụng sớm trong đó OCB ngay từ đầu năm 2019 còn TPBank là từ đầu tháng 5.
Đến tháng 4 vừa qua, thêm 3 ngân hàng đã cùng được NHNN chấp thuận cho áp dụng Thông tư 41 đó là ACB, VPBank và MB. Mới đây, có thêm Techcombank lọt vào danh sách được chấp thuận áp dụng sớm kể từ ngày 1/7 tới.
Như vậy đến thời điểm này, đã có 8 trong số 17 ngân hàng chạm đến Basel II, trong đó có 6/10 ngân hàng được chọn ban đầu.
Trong số 3 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước thuộc nhóm 10, Vietcombank đã giữ vai trò tiên phong và đang “hưởng quả ngọt” về tín dụng, nhưng còn BIDV và VietinBank thì vô cùng nan giải. Hiện CAR của hai nhà băng này đều dưới 10% và áp lực tăng vốn thì không ngừng đè nặng. VietinBank đã hết “room” để bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong khi BIDV cũng chưa hoàn tất việc bán vốn cho đối tác của Hàn Quốc là Hana KEB vốn đã rậm rịch suốt mấy năm qua. Thứ trông chờ gần nhất của hai ngân hàng đó là tăng được nguồn vốn điều lệ thông qua giữ lại cổ tức, nhưng điều này cũng chưa được quyết vì còn vướng rào cản từ phía cổ đông Nhà nước còn chưa gật đầu cho dù cả lãnh đạo 2 ngân hàng lẫn NHNN đã nhiều lần kiến nghị.
Có ý kiến cho rằng, việc khó khăn tăng vốn ở 2 ngân hàng lớn nhất sẽ làm “vỡ kế hoạch” cán đích thực hiện an toàn vốn theo Basel II của NHNN. Thế nên NHNN có xu hướng mở rộng thêm đối tượng chưa phải áp dụng Thông tư 41, được đề cập trong Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang được NHNN đưa ra lấy ý kiến.
Cụ thể, một trong các nội dung quan trọng là dự thảo có ngoài các ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng chưa đáp ứng quy định tỷ lệ an toàn vốn cũng sẽ chưa phải áp dụng quy định của Thông tư 41, nhưng Thống đốc NHNN sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể. Tức là theo tinh thần của dự thảo này thì NHNN sẽ “chiếu cố” cho một số ngân hàng chưa thể áp dụng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào đầu năm 2020, mà trước mắt có thể nhìn thấy những ngân hàng chưa thể đáp ứng được, trong đó có các “ông lớn” của ngành.
Đứng trước dự thảo này, nhiều chuyên gia cho rằng Basel II đã là chuẩn mực được các ngân hàng thế giới áp dụng từ rất lâu, hiện đang chuẩn bị hoàn thiện Basel III, Việt Nam đến nay mới áp dụng đã là muộn, nếu tiếp tục hoãn thì sẽ thành…hoãn mãi, không chỉ có vậy, nó còn làm ảnh hưởng đến các ngân hàng khác, là không công bằng với các ngân hàng đã nỗ lực đáp ứng.
Thậm chí theo TS. Phan Minh Ngọc, với những ngân hàng không đạt mốc đầu năm 2020 và những cái mốc sau đó theo quy định, thì NHNN cần mạnh tay “xử lý”, có thể bằng cách hạn chế tăng trưởng tín dụng tối đa, thậm chí kỷ luật ban lãnh đạo ngân hàng, đặt dưới diện kiểm soát đặc biệt với lộ trình nghiêm ngặt và nghiêm khắc thực hiện cho bằng được chuẩn mực Basel II. Làm được như vậy sẽ vừa không những bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự an toàn, phát triển của hệ thống, mà còn bảo đảm được sự công bằng với những nhà băng đã cố gắng và thành công trước/đúng hạn. Động thái xử lý quyết liệt, nghiêm khắc như đề xuất bên trên của NHNN sẽ còn có tác dụng rất quan trọng là thu hẹp khoảng cách quá lớn trong chuẩn mực hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam với khu vực và thế giới, xóa đi hình ảnh lạc lõng, tụt hậu của ngân hàng Việt Nam trong con mắt bên ngoài.
Nguồn: ttvn.vn