Năm 2019, Hiệp hội Bảo hiểm đã đặt mục tiêu doanh thu toàn thị trường bảo hiểm tăng 25%, trong đó bảo hiểm nhân thọ tăng 35% và phi nhân thọ tăng 10%. Số liệu tính đến quý III/2019 cho thấy mục tiêu tăng trưởng doanh thu toàn thị trương hoàn toàn có thể đạt được.
Cụ thể, số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III/2019 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 23%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%.
Tính chung 9 tháng năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%.
Đại diện Tập đoàn AIA Ng Keng Hooi từng cho biết, Việt Nam là thị trường bảo hiểm nhân thọ tiềm năng với khả năng khai thác các sản phẩm giá trị 700 tỷ USD.
Trong số các doanh nghiệp bảo hiểm trên sàn chứng khoán, Bảo Việt hiện là đơn vị duy nhất tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Doanh nghiệp này hiện cũng đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ ngoại như Prudential, Manulife, AIA, Dai-ichi…
Thậm chí, mức độ cạnh tranh ngày càng tăng khi các doanh nghiệp nước ngoài liên kết với ngân hàng phân phối bảo hiểm (bancassurance).
Với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, Nhà nước đang khuyến khích phát triển các mảng bảo hiểm phi nhân thọ như bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm kỹ thuật, tài sản công… Do đó nếu doanh nghiệp tận dụng được cơ hội thì sẽ phát triển rất tốt trong thời gian tới. Các loại bảo hiểm xe cơ giới, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm cháy nổ sẽ tiếp tục được khai thác.
Các sản phẩm của các công ty trong nước hiện tương đối giống nhau trog khi các công ty nước ngoài với khả năng cung cấp các sản phẩm khác biệt có sức sinh lời tốt hơn, đang nhắm đến thị trường Việt Nam. Mua cổ phần của các hãng nội là cách nhanh nhất để xâm nhập thị trường Việt Nam còn non trẻ và cạnh tranh cao.
Các thương vụ đáng chú ý năm 2019 có thể kể đến như HDI Global có thể mua lại phần lớn phần sở hữu của PVN (35.5%) tại PVI và BMI đang trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà bảo hiểm ngoại khi SCIC và AXA (nắm giữ tổng cộng 67% BMI) thoái vốn.
Nguồn: BizLive