English
19/042019
Đôn cao lợi thế “tứ đại ngân hàng”
Chiều 18/4, sau bài viết “Việt Nam, tình thế có tiền mà khó tiêu và yếu tố mới xuất hiện”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trao đổi với BizLIVE và cho rằng: “Đây là đặc quyền xưa nay của tứ đại ngân hàng, chỉ khác là mức độ bây giờ lớn hơn so với giai đoạn trước”.
Theo phân tích của bạn đọc và cũng là người trong ngành này, một phần nguồn tiền ứ đọng lớn như bài viết đề cập ở khía cạnh huy động trái phiếu và giải ngân đầu tư công chậm. Nhưng có phần khác đáng kể nữa là thu từ thoái vốn lớn thời gian qua và có thể chưa dùng đến nhiều, như thương vụ hàng “tỷ đô” Sabeco, Vinamilk, BMP, Vinaconex…
Và có thêm một xu hướng, triển vọng mới: từ trong năm 2018 đến nay ngân sách có xu hướng thặng dư.
Như trên, cách nói đời thường của vị lãnh đạo này gọi là “tứ đại ngân hàng”, thay vì “Big 4” trước nay thường được dùng để bao gồm 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn: Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank.
Nguồn tiền lớn, trong khi giải ngân đầu tư công chậm, được gửi khối lượng lớn trong hệ thống các ngân hàng thương mại, tập trung ở nhóm 4 thành viên nói trên.
Như BizLIVE đề cập ở bài viết trước, chỉ tính riêng tại Vietcombank, BIDV và VietinBank (riêng Agribank do báo cáo tài chính 2018 chưa công bố), tính đến 31/12/2018, lượng tiền gửi của Kho bạc Nhà nước đã lên tới hơn 216.000 tỷ đồng, mà trong đó có trên 100.000 tỷ đồng được củng cố ở tiền gửi có kỳ hạn.
Theo phân tích của vị lãnh đạo ngân hàng trên, đây là lợi thế lớn cho nhóm “tứ đại ngân hàng” về nguồn lực và chi phí huy động vốn. Lợi thế này đi cùng với thực tế cách biệt doãng rộng trong cạnh tranh lãi suất: khối ngân hàng tư nhân nhiều thành viên áp lãi suất cao hơn tới 2%/năm so với lãi suất của nhóm 4 ngân hàng này ở nhiều kỳ hạn.
Nói cách khác, nguồn tiền gửi có chi phí dễ chịu hơn ở “tứ đại ngân hàng” không san trực tiếp ra, góp phần hạ nhiệt lãi suất chung trên thị trường, khi mà lãi suất huy động VND ngày càng nhiều thành viên, nhiều kỳ hạn áp trên 8%/năm, thậm chí gần 9%/năm.
“Trước đây, nguồn vốn có chi phí thấp hơn thường được đưa lên thị trường liên ngân hàng, giúp điều hòa vốn trong toàn hệ thống. Nhưng nay, với xu hướng đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, khối “tứ đại ngân hàng này” cũng tập trung hơn ở cho vay trên thị trường dân cư, tổ chức kinh tế vì có lãi biên cao hơn. Hoặc họ vẫn cho vay trên liên ngân hàng, nhưng lãi suất không còn mềm như trước, qua đêm vẫn trên 4%/năm, có lúc tới 5%/năm”, bạn đọc trong cuộc trên nhìn nhận.
Theo đó, thị trường liên ngân hàng đã không còn những mức lãi suất thấp như trước đây, góp phần hỗ trợ hạ nhiệt lãi suất trên thị trường 1 (với dân cư và tổ chức kinh tế). Dù hai thị trường có hai mục đích và các nhóm nhu cầu, chức năng khác nhau, nhưng sự kết nối và truyền dẫn đã cách biệt hơn trước.
Với lợi thế trên, bất lợi cạnh tranh giữa các khối ngân hàng đang có chiều hướng bị khoét sâu. Với nguồn tiền gửi lớn của ngân sách nói trên, nhóm “tứ đại ngân hàng” có lợi thế cạnh tranh về lãi suất cho vay, thu hút được nhóm khách hàng tốt và có cơ sở thuận lợi hơn để quản trị rủi ro, có thêm điều kiện để giảm thiểu nợ xấu (còn giảm được nợ xấu hay không lại ở khía cạnh khác).
Tuy nhiên, vài năm gần đây, trên báo cáo tài chính một số ngân hàng thương mại cổ phần như LienVietPostBank, MB, Techcombank… một số kỳ báo cáo cũng đã xuất hiện một phần tiền gửi của ngân sách (Kho bạc Nhà nước), nhưng không lớn.
Còn với quy mô cuối 2018, tới đây khi có báo cáo tài chính quý 1/2019 của các ngân hàng thương mại, tiền gửi của ngân sách tiếp tục là một khoản mục đáng được chú ý, với những biến động của nó.
Nguồn: bizlive.vn