English
16/082019
Giới đầu tư chứng khoán thế giới: Cơ hội tại Việt Nam lớn hơn rủi ro từ thương chiến

Các nhà đầu tư nước ngoài vào chứng khoán Việt Nam đang rũ bỏ mối quan ngại về thuế quan đối với hàng xuất khẩu Việt Nam, ngay cả khi trung tâm sản xuất Đông Nam Á thu hút sự theo dõi từ chính quyền Trump.

Các nhà đầu tư bao gồm Federico Parenti tại Sempione Sim SpA ở Milan cho biết, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và việc chính phủ có kế hoạch thoái vốn tại các công ty do nhà nước kiểm soát sẽ bù đắp đà sụt giảm giá cổ phiếu xuất phát từ xung đột thương mại.

“Tôi đã thay đổi quan điểm của mình”, Parenti, người giúp quản lý khoảng 3 tỷ USD bao gồm cả cổ phiếu Việt Nam tại Sempione Sim. “Khi bạn đầu tư vào một quốc gia, bạn sẽ phải làm điều đó trong thời gian dài”. Trong danh mục của quỹ này có cổ phiếu của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (HoSE: VNM) và CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (HoSE: SAB).

Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót 843 triệu USD vào thị trường chứng khoán Việt Nam (hiện có quy mô 193 tỷ USD) trong 12 tháng tính đến ngày 14/8, ngay cả khi VN-Index đã giảm khoảng 0,9% trong giai đoạn này. VN-Index đã tăng 9,7% từ đầu năm đến nay khi kết thúc phiên giao dịch ngày 15/8, cao nhất trong số các thị trường Đông Nam Á và vượt xa mức tăng 0,8% trong Chỉ số MSCI AC Asean.

Gioi dau tu chung khoan the gioi: Co hoi tai Viet Nam lon hon rui ro tu thuong chien
Vốn nước ngoài chảy vào thị trường chứng khoán Việt Nam qua các năm (biểu đồ màu xám – tham chiếu cột bên trái) và quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam (biểu đồ màu trắng – tham chiếu cột bên trái). Ảnh: Bloomberg.

Việc chính phủ bán vốn tại các doanh nghiệp nhà nước đã giúp thu về khoảng 5,16 nghìn tỷ đồng (222 triệu USD) trong nửa đầu năm nay, thêm vào kỷ lục 5,09 tỷ USD từ đợt chào bán công khai lần đầu vào năm ngoái. Mark Mobius, nhà đầu tư nổi tiếng và là người điều hành Mobius Capital Partners, cho biết việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cùng với việc tăng trưởng kinh tế luôn ở mức trên 6% đã hỗ trợ tốt cho thị trường vốn.

Chắc chắn là, hầu hết các nhà đầu tư khó có thể phớt lờ rủi ro hàng hóa Việt Nam bị vạ lây từ thương chiến, ông Felix Lam, người quản lý gần 2 tỷ USD chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management nói với Bloomberg.

Ông Lam cho biết “nếu đàm phán thương mại mất nhiều thời gian và căng thẳng hơn”, thì Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng cùng với các nước châu Á khác. Tuy nhiên, ông nói thêm giới phân tích cho rằng cổ phiếu có thể đã phản ánh những rủi ro đó vào giá rồi.

Dù hiện tại không nắm giữ cổ phiếu Việt Nam, ông Lam nói rằng nếu thanh khoản gia tăng thì ông có thể mua vào cổ phiếu tại đây.

Chính quyền Trump đang gia tăng áp lực đối với Việt Nam nhằm giảm thặng dư thương mại đang gia tăng với Mỹ, khi nền kinh tế số 1 thế giới áp thuế 400% với thép Việt Nam xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan. Xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ có quy mô 20% ​GDP năm 2018 và gần 26% GDP trong nửa đầu năm 2019.

Đối với Bharat Joshi, người giúp quản lý 650 tỷ USD với tư cách là nhà quản lý quỹ tại Aberdeen Standard Investments, nhu cầu nội địa của Việt Nam vượt xa rủi ro phát sinh từ căng thẳng thương mại. Công ty này coi mua việc mua cổ phiếu VNM là một khoản đầu tư mỏ neo giữa những bất ổn.

“Việt Nam hiện đang có sự tăng trưởng theo cấu trúc, thu nhập trung lưu tăng, nhu cầu tín dụng bắt đầu mở rộng và chính phủ đang làm tất cả những gì có thể đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa”, Joshi nói.

Nguồn Bloomberg/Nhipcaudautu.vn