English
17/112021
Hoạt động ngân hàng Việt Nam tuần 46.2021

Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) dự kiến ghi nhận 1.800-2.000 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2022 từ việc thoái vốn tại Công ty Tài chính FCCOM. MSB định hướng thoái vốn các công ty con để tập trung vào lĩnh vực chính, phát triển mảng bán lẻ, nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa, nhỏ (SME).

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) phát hành thành công 5.000 trái phiếu theo phương thức phát hành riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trái phiếu Sacombank có kỳ hạn từ 1 đến 3 năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có bảo đảm. Số tiền thu về khoảng 5.000 tỷ đồng giúp Sacombank đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung và dài hạn, tăng cường các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) dự kiến tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021 vào tháng 3/2022. Theo đó, ngày 24/11 tới đây Eximbank sẽ chốt quyền đề cử nhân sự dự kiến vào hội đồng quản trị (HĐQT) và ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020 – 2025. Sau thời gian nhận hồ sơ đề cử (từ 1/12 đến 22/12) Eximbank sẽ tiến hành trình Ngân hàng Nhà nước vào ngày 24/1/2022 và tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần thứ hai vào ngày 15/3/2022.

Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh phương án tăng vốn điều lệ từ 1.052 tỷ đồng lên 1.618 tỷ đồng. Ba phương án tăng vốn là (i) Phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần thông qua chi trả cổ tức với tỷ lệ 15%. Tổng giá trị phát hành là 550,6 tỷ đồng; (ii) Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 4:1 (25%), tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá là 917,7 tỷ đồng; (iii) Tăng vốn điều lệ theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong ngân hàng (ESOP) với tổng giá trị phát hành tối đa theo mệnh giá 150 tỷ đồng.

Các NHTM bổ sung vốn góp để duy trì tỷ lệ sở hữu tại các công ty tài chính. Việt Nam hiện có 16 công ty tài chính hoạt động với tổng mức vốn điều lệ đăng kí đạt hơn 29.365 tỷ đồng. Trong đó có 6 đơn vị là thành viên của các ngân hàng lớn trong nước gồm Công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit) của VPBank, HD Saison của HDBank, SHB Finance của SHB, Mcredit của MB, PTF của SeABank và FCCOM của MSB. Mcredit vừa thông báo tăng vốn điều lệ từ 800 tỷ lên 1.300 tỷ đồng, ngân hàng mẹ MB đã góp thêm 150 tỷ nâng tổng giá trị vốn góp lên 650 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức 50%. HDBank dự kiến bổ sung vốn góp tại HD Saison thêm 175 tỷ đồng nâng tổng giá trị vốn góp vào công ty tài chính này lên 1.175 tỷ đồng nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu ở mức 50%. Ngoài ra, các ngân hàng mẹ đều duy trì các khoản tiền gửi tại công ty tài chính để tạo nguồn vốn hoạt động cho các đơn vị này.

BBT/GSTH