English
14/122021
Kết quả bất ngờ về sử dụng ngân hàng số ở Việt Nam năm 2021

Ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, 2021 là một cột mốc quan trọng của ngành ngân hàng xét về tiến độ số hóa. Vốn dĩ, chúng ta có những điều kiện thuận lợi để tiến xa hơn. Đó là một nền dân số trẻ, yêu thích công nghệ thúc đẩy nhu cầu về giải pháp công nghệ tài chính sẵn sàng nở rộ trong điều kiện cơ sở hạ tầng số phát triển tốt như mạng 3G/4G phủ gần như toàn quốc và số người sử dụng điện thoại di động cao.

Sử dụng ngân hàng số tăng đột biến

Năm 2021, McKinsey thực hiện Khảo sát Dịch vụ Tài chính Cá nhân của về hành vi sử dụng ngân hàng số của khoảng 20.000 khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng ở thành thị tại 15 thị trường châu Á-Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Kết quả cho thấy tỷ lệ khách hàng Việt Nam dùng các công cụ ngân hàng số ít nhất một lần trong tháng đã tăng gấp đôi trong giai đoạn 2017 – 2021, từ 41% lên 82%.

Tỷ lệ sử dụng công nghệ tài chính và ví điện tử của Việt Nam tăng từ 16% trong năm 2017 lên 56% vào năm 2021. Bên cạnh đó, theo Ernst & Young, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.

Chính phủ cũng rất chủ động hỗ trợ số hóa ngành ngân hàng. Trong tháng 5, NHNN ban hành Quyết định 810/QĐ-NHNN phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hướng dẫn ngành ngân hàng thực hiện chuyển đổi số như một nhiệm vụ trọng tâm. Việt Nam đặt tham vọng tới năm 2030, ít nhất 70% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số. Kết quả khảo sát của NHNN cho thấy 95% tổ chức tín dụng ở Việt Nam đã xây dựng và triển khai chiến lược chuyển đổi số hoặc trong quá trình hoàn thiện.

Một điều khiến năm 2021 trở nên đặc biệt quan trọng đó là chính đại dịch Covid-19 đóng vai trò như một yếu tố xúc tác giúp Việt Nam đẩy nhanh tiến độ số hóa nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Trước khi Covid xuất hiện, tỷ lệ đón nhận số hóa của Việt Nam còn khá thấp vì khách hàng chưa nhìn thấy lý do thôi thúc họ phải đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng qua mạng bởi mọi người còn đang chấp nhận quy trình sử dụng giấy tờ và chữ ký sống. Khi Việt Nam áp dụng biện pháp giãn cách lần đầu vào tháng 4/2020, người dân mới nhận ra tầm quan trọng của ngân hàng trực tuyến và các dịch vụ trên mạng. Theo Ernst & Young, khoảng 85% người tiêu dùng đã sử dụng ứng dụng thương mại điện tử trên điện thoại thông minh để mua sắm hàng hóa, dịch vụ ít nhất một lần một tuần và 44% người tiêu dùng đã mua hàng hóa và dịch vụ trên các kênh mạng xã hội khi đại dịch xuất hiện.

Ông Tim Evans cho biết, tại HSBC Việt Nam, tỷ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến tăng mạnh với các giao dịch kinh doanh thương mại và nhu cầu sử dụng các nền tảng số khác cũng tăng lên nhanh chóng vì khách hàng có thể thực hiện mọi giao dịch.

Còn theo khảo sát của chúng tôi, tỷ lệ sử dụng ngân hàng trực tuyến của các ngân hàng trong nước khác cũng tăng rất mạnh trong thời gian qua. Đơn cử như tại VietinBank, từ khi triển khai ngân hàng số đa tiện ích VietinBank iPay, nhà băng này đã thu hút hàng triệu khách hàng mới.

Hay ở OCB, sau khi triển khai định danh điện tử (eKYC), tỷ lệ giao dịch online của nhà băng này từ đầu năm đến nay tăng tới 269%, tương đương gấp gần 3,7 lần so với cùng kỳ năm trước; số lượng khách hàng đăng ký sử dụng ứng dụng OCB OMNI đạt hơn 1 triệu người.

Hoặc tại TNEX, một ứng dụng ngân hàng thuần số hiện đại được tài trợ bởi MSB, chỉ sau 3 tháng ra mắt (kể từ tháng 12/2020) đã thu hút hàng chục nghìn người dùng và dự kiến đến cuối năm nay, TNEX sẽ có hơn 500 nghìn khách hàng cá nhân và gần 15 nghìn khách hàng là hộ kinh doanh.

Nhu cầu của khách hàng biến đổi không ngừng, ngân hàng số cần được tiếp tục đầu tư mạnh

Theo quan sát của HSBC, nhiều ngân hàng ở Việt Nam cũng đã chủ động triển khai số hóa quy trình nội bộ như hệ thống giao dịch thời gian thực và các kênh đầu cuối như định danh khách hàng trực tuyến, thanh toán bằng mã QR… Một số ngân hàng cũng đã đưa vào kế hoạch ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, API mở, chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo.

Năm 2022, chúng ta cần tiếp tục phát huy những gì đã làm được vì nhu cầu khách hàng luôn biến đổi không ngừng và đại dịch Covid-19 còn chưa chấm dứt hoàn toàn. Mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giúp những người dân còn mang tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng. Theo McKensey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động. Thay đổi tư duy không phải một việc dễ dàng làm được ngay trong một sớm một chiều nhưng chúng ta cần lắng nghe những băn khoăn của khách hàng và thể hiện rõ phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng ra sao khi họ bắt đầu thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.

Trong tương lai, nhiều chuyên gia tin rằng chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng giúp phục hồi và phát triển kinh tế. Khi đó, ngành ngân hàng sẽ đóng vai trò không nhỏ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam.

Nguồn: CafeF.vn