Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI ) vừa có văn bản gửi tới Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng về việc góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
VCCI cho biết đã tiến hành lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp đối với dự thảo trên và có một số góp ý, trong đó đề nghị chia nhỏ hơn nữa các mức xếp hạng.
Theo VCCI, mục đích của xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi tắt là TCTD) là giúp các TCTD tự nhìn vào tổ chức, hoạt động của mình, đồng thời phục vụ cơ quan quản lý ban hành chính sách, thanh tra, giám sát thị trường tài chính, ngân hàng và bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.
Về chia nhỏ các mức xếp hạng để phân loại TCTD được chính xác hơn, hiện tại Dự thảo Thông tư quy định 5 mức xếp hạng của các TCTD là A B C D E dựa trên hệ thống xếp hạng tín dụng CAMELS đã được sử dụng phổ biến trên thế giới. Hệ thống này đã được sử dụng lâu dài bởi nhiều quốc gia, được coi là thước đo tiêu chuẩn sức khoẻ của các TCTD.
“Tuy nhiên, nghiên cứu chính sách về xếp hạng doanh nghiệp và hoạt động dịch vụ xếp hạng doanh nghiệp trên thế giới cho thấy: dù việc xếp hạng các TCTD, ngân hàng nước ngoài của Thông tư không có mục đích và quy trình giống các bảng xếp hạng quốc tế như Standard & Poors, Moody’s, Fitch Ratings (các xếp hạng này dựa trên nhu cầu của thị trường, của bản thân các ngân hàng, các bên thứ ba khác vì vậy rất cần chi tiết) và việc xếp hạng cũng mới được áp dụng từ năm 2019 nhưng cần thiết xem xét chia nhỏ các mức xếp hạng thay vì chỉ có 5 mức A B C D E như hiện tại để đánh giá sát hơn tình hình của TCTD từ đó có ứng xử tương ứng với từng TCTD được chính xác và hiệu quả hơn”, VCCI đề nghị trên cơ sở lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp.
Đề nghị trên được lý giải, hiện tại các xếp hạng B được tính như sau: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng B (Khá) nếu Tổng điểm xếp hạng nhỏ hơn 4,5 và lớn hơn hoặc bằng 3,5”. Theo VCCI, đây là khoảng điểm có sự khác biệt tương đối lớn, bởi điểm được cộng, trừ tới 0,05/0,1 (khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 16, khoản 2 Điều 19 Dự thảo) sẽ khiến cho TCTD được 4,4 điểm và TCTD được 3,5 điểm dù có sự chênh lệch lớn về mức độ rủi ro/tuân thủ nhưng vẫn được xếp cùng hạng.
Tương tự với cách xếp hạng C (nhỏ hơn 3,5 và lớn hơn hoặc bằng 2,5); hạng D (nhỏ hơn 2,5 và lớn hơn hoặc bằng 1,5).
Do đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc chia nhỏ các hạng căn cứ vào các mức điểm khác nhau nhằm phân loại chính xác và sát với tình hình hoạt động của các TCTD.
Như BizLIVE thông tin hồi tháng 8 vừa qua , Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cũng đã tổ chức lấy ý kiến các hội viên về dự thảo trên. Một điểm mà VNBA nhấn mạnh là cần xem xét lại các trọng số và phân loại xếp hạng một cách chi tiết hơn nữa.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký VNBA cho rằng, trong hệ thống TCTD hiện nay, quy mô tổng tài sản của các ngân hàng thương mại (NHTM) không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn về cấp độ.
Những NHTM có quy mô tổng tài sản chênh lệch từ 200.000 – 300.000 tỷ đồng thì cách thức hoạt động, quản trị điều hành và hiệu quả kinh doanh là rất khác nhau, đặc biệt là đối với các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên (là những NHTM có tầm quan trọng lớn, đóng vai trò trụ cột trong hệ thống ngân hàng và nền kinh tế).
Do đó, các quy định về tiêu chí, điểm số và trọng số tại quy định xếp hạng hiện hành được cho là chưa phù hợp để đánh giá, xếp hạng đối với các NHTM lớn.
Để tăng cường hiệu quả trong đánh giá, xếp hạng TCTD và làm cơ sở để xây dựng bộ tiêu chí/chỉ tiêu đánh giá tương ứng phù hợp, qua tọa đàm lấy ý kiến các hội viên, ông Hùng đề nghị Ban soạn thảo xem xét phân nhóm các NHTM theo các cấp độ chi tiết hơn; trong đó các NHTM có quy mô tổng tài sản từ 1 triệu tỷ đồng trở lên cần có phương thức đánh giá phù hợp.
Nguồn: Bizlive/CafeF.vn