Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các dự báo đều cho rằng lợi nhuận các ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2021 khi phải hi sinh nguồn thu để hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, kết quả sơ bộ mới được công bố cho thấy nhiều nhà băng vẫn ”kiếm tiền” rất tốt bất chấp ảnh hưởng của dịch Covid-19.
TPBank mới đây vừa cho biết, tính đến hết năm 2021, tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 13.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ. Bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ của ngân hàng tăng gần 65% so với cùng thời điểm cuối năm 2020, đạt trên 1.500 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, tăng 37,6% so với năm 2020 và hoàn thành vượt hơn 4% so với kế hoạch đã đặt ra tại đại hội cổ đông đầu năm. Như vậy, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của TPBank năm 2021 gấp gần 3 lần năm 2020.
Kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của dư nợ cho vay. Theo đó, ngân hàng cho biết đã sử dụng toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng 23,4% mà Ngân hàng Nhà nước cho phép. Đây cũng là hạn mức tăng trưởng cao nhất mà cơ quan quản lý cấp cho các ngân hàng thương mại trong năm 2021.
Tại MSB, Tổng giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cũng cho biết, đến hết tháng 10/2021, ngân hàng đạt lãi trước thuế 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. MSB dự kiến cán mốc trên 5.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2021, vượt xa so với mục tiêu đưa ra là 4.100 tỷ đồng trước thuế.
Trong trường hợp MSB đạt được con số 5.000 tỷ, mức tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021 của ngân hàng này sẽ lên tới gần 100%, tương đương năm 2020 và vượt xa năm 2019 – giai đoạn chưa chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trước đó, không ít ngân hàng đã sớm cán đích lợi nhuận chỉ sau 3 quý đầu năm như Viet Capital Bank, SeABank.
Không kém cạnh, các ông lớn trong khối quốc doanh cũng dồn dập báo ”tin vui” những ngày gần đây.
Trong thư gửi khách hàng, đối tác và cán bộ, người lao động mới đây, ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho biết trong năm 2021, lợi nhuận ngân hàng đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Được biết, trong năm 2020, ngân hàng có lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt hơn 13.200 tỷ, riêng lẻ là hơn 12.900 tỷ.
Không nêu rõ con số cụ thể, song BIDV tiết lộ đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được NHNN giao.
Ngân hàng cũng cho biết, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Đáng chú ý hơn là nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm rất mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021 giảm 0,73 điểm % so với năm 2020 xuống còn 0,81% và tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm %.
Tại VietinBank, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tính đến hết ngày 31/12/2021, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao. Trước đó, VietinBank đặt mục tiêu lãi riêng lẻ 16.800 tỷ đồng, nhỉnh hơn con số 16.450 tỷ đồng đạt được trong năm 2020.
Dư nợ bình quân của VietinBank tính đến cuối năm 2021 tăng 12,3% so với năm 2020, cao hơn nhiều so với mức tăng 4,8% của 6 tháng đầu năm.
Trên cơ sở đó, VietinBank đặt ra một số mục tiêu chính trong hoạt động kinh doanh trong năm 2022 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Cụ thể, lợi nhuận riêng lẻ và hợp nhất trước thuế tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, tăng 10% – 20%.
Tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ đâu?
Lợi nhuận năm 2021 của nhiều ngân hàng đều hoàn thành và vượt xa chỉ tiêu đặt ra có sự hỗ trợ rất lớn từ sự hồi phục và bứt tốc mạnh quý cuối năm sau sụt giảm trong quý III/2021 do giãn cách xã hội.
Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng tính đến ngày 27/12 đạt 12,97% và dự kiến lên tới khoảng 14% khi kết thúc năm 2021. Trước đó, tính đến ngày 25/11/2021, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới tăng khoảng 10,1%. Con số này tại thời điểm 29/10 chỉ đạt 8,72% và vào cuối tháng 9 là 7,88%.
Như vậy, chỉ trong vòng hơn một tháng tăng trưởng tín dụng đã tăng thêm 2,87 điểm %, tương đương quy mô dư nợ mở rộng gần 264.000 tỷ đồng. Tính chung cho cả quý IV, dư nợ tín dụng đã tăng thêm hơn 562.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng của cả 9 tháng đầu năm.
Sự bứt phá của tín dụng dịp cuối năm là động lực chính thúc đẩy lợi nhuận ngành ngân hàng bởi thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chủ lực, đóng góp 70 – 80% tổng nhập hoạt động.
Bên cạnh đó, thu nhập ngoài lãi cũng là yếu tố quan trọng hỗ trợ lợi nhuận các ngân hàng trong năm 2021, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động bán chéo bảo hiểm và đầu tư trái phiếu.
Việc ghi nhận phí trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền và doanh thu bancassurance đã tích cực hỗ trợ cho thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa cuối năm 2021. Trong khi hoạt động đầu tư trái phiếu Chính phủ ở nhiều ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận cao trong nhiều năm khi lãi suất trái phiếu của Việt Nam liên tục giảm.
Theo cuộc điều tra được NHNN tiến hành cho thấy, các ngân hàng nhận định lợi nhuận đã phục hồi và “cải thiện” rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021.
Cụ thể, có tới 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Dự kiến cho năm 2022, 95% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% TCTD lo ngại lợi nhuận “giảm”.