Tung “chiêu” thu hút vốn vay
Thu nhập của các ngân hàng chủ yếu được đóng góp từ mảng hoạt động truyền thống là tín dụng, trong khi dư nợ cho vay của ngân hàng tăng chậm, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu. Vì thế, các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, với lãi suất cạnh tranh.
Thậm chí, nhân viên của một ngân hàng chào mời: “Nếu chị đang có khoản tiền gửi khoảng 3 tỷ đồng trở lên ở các ngân hàng nằm trong danh sách thế chấp sổ tiết kiệm ở bên ngân hàng em (gồm các ngân hàng cổ phần tốp đầu) thì bên em cho vay với lãi suất 5%/năm, thế chấp bằng sổ tiết kiệm”.
Đáng lưu ý, không chỉ được vay lãi suất thấp, mà ngân hàng trên không quá khắt khe trong việc đòi hỏi khách hàng phải chứng minh việc sử dụng dòng tiền. Điều này có thể khiến khách hàng vay tiền, sau đó đem gửi ngân hàng nhằm hưởng chênh lệch lãi suất. Bởi lẽ, mặt bằng lãi suất huy động tuy giảm mạnh, nhưng ở một số nhà băng vẫn đang áp dụng mức 5 – 6%/năm cho kỳ hạn từ 5 tháng trở lên.
Nếu thu hút được khách hàng “vay để gửi” thì nhân viên ngân hàng sẽ đáp ứng được cả chỉ tiêu về tín dụng cũng như huy động tiết kiệm.
Đặc biệt, theo quy định mới tại Thông tư 06/2023/TT- NHNN, người dân, doanh nghiệp có thể vay ngân hàng này để trả khoản vay trước đó tại một ngân hàng khác kể từ ngày 1/9/2023, nên các ngân hàng đẩy cuộc cạnh tranh giành thị phần tín dụng lên cao. Trong đó, có ngân hàng đưa ra mức lãi suất ưu đãi 5,6%/năm, thậm chí chỉ từ 4,99%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đang áp dụng ở một số nhà băng quy mô vừa và nhỏ.
Trong nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, 3 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV và VietinBank đã triển khai gói lãi suất cho vay từ 5,6%/năm cho các khoản vay ngắn hạn. Một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn như MB, Techcombank triển khai chương trình cho vay với lãi suất từ 7,3%/năm nhằm thu hút khách hàng “đảo nợ”.
Cuộc đua giành thị phần tín dụng được dự báo sẽ khiến một bộ phận khách hàng tốt có sự chuyển dịch về nơi vay vốn, từ nhà băng này sang nhà băng khác.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cho rằng, cuộc đua cho vay “đảo nợ” với lãi suất ưu đãi đang khiến những ngân hàng nhỏ chịu áp lực mất thị phần vào tay các “ông lớn”, vốn có ưu thế nguồn vốn dồi dào với chi phí vốn thấp.
Tuy nhiên, khách hàng trả nợ trước hạn sẽ phải chịu khoản phí phạt cao. MB cho biết, khách hàng trả nợ trước hạn sẽ phải chịu một khoản phí phạt, thông thường từ 0,5 – 2%, được quy định trong hợp đồng vay vốn ban đầu. Ngoài ra, khách hàng cần chuẩn bị phí giải chấp sổ đỏ, phí đăng ký lại thế chấp mới, phí công chứng, phí bảo hiểm cho khoản vay mới…
Có ngân hàng quy định mức phí phạt trả nợ trước hạn là 3 – 4%, khiến việc chuyển sang vay ngân hàng khác không mang lại nhiều khác biệt về chi phí, trong khi phải thực hiện các thủ tục tương đối mất thời gian, đồng thời ngân hàng cho vay đảo nợ yêu cầu phải có tài sản bảo đảm.
Kỳ vọng tín dụng sẽ tăng
Theo Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, hệ thống ngân hàng đang phải “chữa bệnh thừa tiền”, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp không hấp thụ được vốn, không muốn vay. Cũng giống như các doanh nghiệp bị tồn kho hàng hóa, thì các ngân hàng thương mại đang tồn kho tiền. Mặc dù vậy, tín dụng gần đây có dấu hiệu cải thiện, kỳ vọng sẽ tăng dần về cuối năm.
Nhìn lại những năm qua, nhu cầu vốn cho phục hồi kinh tế tập trung phần lớn qua kênh tín dụng ngân hàng, trong bối cảnh các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả và thị trường vốn tồn tại một số vấn đề. Tỷ lệ tín dụng/GDP có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại trong năm 2022 và thể hiện rõ nét trong 7 tháng đầu năm 2023.
Hiện tại, thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng đang dư thừa và còn nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Toàn hệ thống còn khoảng 9% hạn mức để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023, tương đương 1 triệu tỷ đồng có thể được bơm ra nền kinh tế trong những tháng cuối năm. Với mặt bằng lãi suất huy động và cho vay giảm dần, các tổ chức tín dụng có điều kiện để cung ứng vốn tín dụng đối với nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước đánh giá, tăng trưởng tín dụng từ đầu năm 2023 đến nay ở mức thấp không xuất phát từ nguyên nhân thanh khoản của hệ thống ngân hàng, mà do tác động của đầu tư, sản xuất – kinh doanh, tiêu dùng; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đủ điều kiện vay, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp bất động sản. Mặt khác, việc triển khai một số chương trình tín dụng hỗ trợ lãi suất như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội có những khó khăn, vướng mắc.
Các nhà phân tích tài chính dự báo, tín dụng khó có thể tăng mạnh, nhiều khả năng cả năm 2023 đạt mức tăng 13 – 14% so với mục tiêu ngành ngân hàng đề ra là 14 – 15%. Tăng trưởng tín dụng như hiện nay là phù hợp với bức tranh chung của nền kinh tế. Lý do chính khiến tăng trưởng tín dụng chưa cao là thị trường xuất khẩu giảm nên các doanh nghiệp thận trọng trong các kế hoạch đầu tư sản xuất.
Tuy nhiên, một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhận định, với các yếu tố như nền kinh tế có dấu hiệu tích cực hơn, ngành sản xuất, xuất khẩu dần phục hồi, đặc biệt là lãi suất cho vay tiếp tục giảm, tốc độ tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm 2023 sẽ nhanh hơn, có thể gấp đôi so với nửa đầu năm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Duy Hiếu, Quyền Tổng giám đốc ABBank cho rằng, bên cạnh định hướng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2023 đã được phân bổ cho các ngân hàng, thì những tín hiệu phục hồi từ thị trường cùng với các chính sách khuyến khích đầu tư, tiêu dùng và công tác giải cứu bất động sản của Chính phủ sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong giai đoạn cuối năm 2023, đầu năm 2024.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế – tài chính cho biết, kinh tế Việt Nam trong những năm gần đây thường tăng mạnh vào quý III, đồng thời tốc độ tăng trưởng tín dụng 6 tháng cuối năm cao gấp đôi 6 tháng đầu năm. Năm nay, tăng trưởng tín dụng giảm trong tháng 7, nhưng sang tháng 8, tốc độ tăng trưởng phục hồi khá tốt, có thể giữ đà này trong các tháng cuối năm khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm và lượng đơn hàng của các doanh nghiệp được cải thiện. Trong khi đó, các ngân hàng nỗ lực triển khai các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất giảm 0,5 – 3%/năm, tuỳ đối tượng khách hàng. Mức lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm thêm 0,5 – 1,5%/năm trong giai đoạn từ nay đến đầu năm 2024.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1 – 2,5%/năm so với đầu năm 2023, có ngân hàng giảm đến 3%/năm.
Nguồn: Đầu tư chứng khoán