Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định hạ lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất vay từ ngày 19/11 vừa qua. Sau khi quyết định có hiệu lực, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất để phục vụ nhu cầu vay của người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau khi hạ nhiệt được một chút vào cuối tuần trước, bước sang tuần này lãi suất liên ngân hàng lại quay đầu tăng mạnh.
So với tuần cuối cùng của tháng 11, lãi suất liên ngân hàng đã tăng 0,35 điểm phần trăm kỳ hạn qua đêm còn kỳ hạn 1 tuần tăng tới 0,44 điểm phần trăm. Như vậy, thị trường mới chỉ hạ nhiệt được 3 phiên. Theo số liệu từ NHNN, lãi suất qua đêm liên ngân hàng hiện đã trở lại mức 4,28%/năm, kỳ hạn 1 tuần lên 4,43%/năm và 2 tuần là 4,46%/năm. Lãi suất kỳ hạn dài hơn là từ 1- 9 tháng, dao động từ 4,29% – 5,8%.
Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ lãi suất liên ngân hàng bật tăng trở lại là do nhu cầu thanh khoản cuối năm tăng cao
TS. Cấn văn Lực và TS. Nguyễn Trí Hiếu có cùng quan điểm và cho rằng, lý do khiến lãi suất lại tăng là do các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, đảm bảo thực hiện các yêu cầu của NHNN, cụ thể là quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn và đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.
Hơn nữa, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn bình quân của khối ngân hàng Nhà nước và thương mại đều cao hơn mức 30%, các ngân hàng này sẽ phải tiếp tục cơ cấu lại tín dụng, giảm tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn hoặc tăng quy mô nguồn vốn, đặc biệt là vốn trung – dài hạn.
Bên cạnh đó, mới đây, NHNN có quyết định giảm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 1 tháng xuống còn 0,8%/năm và các kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng xuống còn 5,0%/năm. Lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng vẫn để cho các ngân hàng tự quyết. Đây là lý do để các ngân hàng lại bước vào “cuộc đua” huy động vốn trung và dài hạn bằng cách tăng lãi suất.
Với những diễn biến trên thị trường lãi suất như hiện nay, các chuyên gia kinh tế cùng nhận định, từ nay đến hết năm và bước sang đầu năm 2020, lãi suất sẽ khó có thể giảm tiếp.
Nguồn: VOV