Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố số liệu thống kê liên quan đến Tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi của khách hàng tại tổ chức tín dụng (TCTD) tháng 3/2024.
Theo đó, tổng phương tiện thanh toán tại báo cáo này chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua đạt gần 16,013 triệu tỷ đồng, tăng 0,09% so với cuối năm 2023.
Trong số đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt hơn 6,627 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% so với cuối năm 2023. Tiền gửi của dân cư tại các TCTD đạt 6,676 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 39.000 tỷ so với tháng trước đó và cao hơn 2,2% so với cuối năm trước. Đây là mức kỷ lục từ trước đến nay trong ngành ngân hàng tại Việt Nam.
Điều này có thể thấy, mặc dù các ngân hàng lãi suất duy trì ở mức thấp nhưng người dân vẫn chuộng gửi tiền vào ngân hàng. Dòng tiền cũng không dịch chuyển mạnh khỏi hệ thống ngân hàng để chuyển sang các kênh đầu tư khác.
Tờ Đầu tư Chứng khoán dẫn lời của PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân – Trưởng bộ môn Thị trường tài chính (Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, tiền gửi tăng đột biến trong bối cảnh lãi suất huy động thấp kỷ lục được gọi là nghịch lý của tiết kiệm trong kinh tế học.
Theo ông Huân, khi người dân lo lắng về tình hình kinh tế có thể chưa khả quan trong tương lai, họ sẽ thắt chặt chi tiêu, tăng tỷ lệ tiết kiệm. Ngoài ra, lượng tiền gửi ngân hàng tăng cao còn cho thấy tâm lý chung của nhiều người dân vẫn là thận trọng và chờ đợi cơ hội đầu tư vào các kênh khác.
Đồng quan điểm đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các kênh đầu tư khác không tạo được sức hấp dẫn. Trong các kênh đầu chính thống, chỉ còn kênh gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng là vừa cho lãi suất thực dương và an toàn.
Trong báo cáo ngành ngân hàng vừa được Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) công bố, lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã tăng 10 – 30bps so với vùng đáy ở các kỳ hạn ngắn 1 – 12 tháng. KBSV nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30 – 50 bps từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên từ đó tăng nhu cầu huy động.
KBSV cho rằng lãi suất cho vay trong thời gian tới khó có thể giảm thêm hạn chế mức giảm của lợi suất trên tài sản sinh lời (IEA), thậm chí cải thiện nhẹ bởi lãi suất cho vay hiện tại tương đối thấp so với mức đỉnh năm 2023, ngân hàng yêu cầu mức lãi suất cho vay hợp lí để cân đối với rủi ro của khách hàng, tín dụng hệ thống đã có tín hiệu tốt hơn trong tháng 4 và tháng 5 và kỳ vọng cho vay bán lẻ tốt hơn trong quý 2/2024.
Cùng với đó, sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng là động lực giúp tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu cập nhật gần nhất của Ngân hàng Nhà nước, dư nợ bất động sản tăng thêm 20 nghìn tỷ chỉ trong 2 tháng đầu năm (tương ứng tăng trưởng 1,9%). Bởi vậy, cho vay lĩnh vực bất động sản (bao gồm cho vay phát triển dự án bất động sản, vay mua nhà) dẫn dắt tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng như TCB, HDB, VPB.
“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động cho vay mua nhà sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng tín dụng trong các quý tới khi mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến sẽ duy trì mức hiện tại, các dự án mới mở bán gối đầu giúp hoạt động thị trường BĐS sôi nổi hơn. Những ngân hàng có lợi thế cho vay mua nhà với chủ đầu tư uy tín, chất lượng các khoản vay tốt sẽ có mức tăng trưởng tốt hơn”, KBSV nhận định.
Nguồn: cafef