English
17/112023
Ngân hàng quốc doanh cấp tập chia cổ tức bằng cổ phiếu

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa chốt ngày hưởng quyền nhận cổ tức vào 29/11. Theo đó, cổ đông nắm giữ 100 cổ phiếu BID sẽ nhận được 12,69 cổ phiếu, làm tròn xuống 12 cổ phiếu. Sau đợt chia cổ tức, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 50.585 tỷ đồng lên hơn 57.004 tỷ đồng.

Cũng trong quý IV năm nay, Ngân hàng Công thương (VietinBank) có kế hoạch phát hành cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 11,7% từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế và sau trích các quỹ năm 2020. Kế hoạch tăng vốn thông qua đợt chia cổ tức bằng cổ phiếu này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tháng 10 vừa qua. Dự kiến, vốn điều lệ của VietinBank tăng từ hơn 48.000 tỷ đồng lên trên 53.700 tỷ đồng.

Trước đó, “ông lớn” quốc doanh khác là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cách đây khoảng ba tháng, đã chính thức tăng vốn điều lệ lên 55.890 tỷ đồng, sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 18,1% từ nguồn lợi nhuận sau thuế và trừ các quỹ 2019, 2020.

Với nhà băng 100% vốn nhà nước còn lại là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) giữa năm nay cũng được Quốc hội thông qua chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho giai đoạn 2021-2030 tối đa 17.100 tỷ đồng, tương ứng với phần lợi nhuận còn lại của nhà băng nộp ngân sách nhà nước trong ba năm 2021-2023. Kế hoạch tăng vốn điều lệ cho Agribank được chia thành hai đợt, gồm khoảng 6.750 tỷ đồng bổ sung trong năm 2023 và 10.350 tỷ đồng trong 2024.

Tỷ đồngVốn điều lệ của các ngân hàng top đầu*: Dự kiến theo kế hoạch tăng vốn mới nhấtVPBankBIDV*VietcombankVietinBank*Agribank*020k40k60k80kVnExpressVietinBank*● Sau: 53 700

Khoảng 7-8 năm qua, đây là lần thứ hai nhóm ngân hàng quốc doanh được tăng vốn điều lệ. Lần gần nhất nhóm này tăng vốn là năm 2021, các năm còn lại hầu hết chia cổ tức bằng tiền mặt.

Khác với khối tư nhân, việc tăng vốn điều lệ nằm ngoài khả năng tự chủ của các ngân hàng thương mại nhà nước. Tốc độ tăng vốn điều lệ chậm hơn tăng trưởng tài sản trong nhiều năm khiến tỷ lệ an toàn vốn của những nhà băng này thấp hơn so với mặt bằng chung và cận kề ngưỡng tối thiểu.

Việc tăng vốn điều lệ cho nhóm ngân hàng quốc doanh, theo Ngân hàng Nhà nước, là cần thiết để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn và có dư địa cho vay. Trong đó, Agribank là trường hợp bức thiết nhất.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng dẫn số liệu thống kê tại thời điểm cuối năm 2021, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Agribank chỉ đạt 7%, thấp hơn so với các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác như Vietcombank là 9,98%, VietinBank 8,54% và BIDV 8,4%.

Tính đến cuối năm 2022, vốn điều lệ của Agribank là 34.446 tỷ đồng, cũng thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và thậm chí thấp hơn nhiều so với một số nhà băng tư nhân khác như Techcombank, MB, VPBank. Do đó, việc bổ sung vốn cho Agribank là rất cấp thiết, giúp nhà băng 100% vốn nhà nước này đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định 8%, hướng tới tuân thủ quy định Basel II, theo Thống đốc.

Nguồn: Vnexpress.net