Ngày 28/11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước chính thức “đóng dấu” cho hai đại diện đầu tiên của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam áp dụng các chuẩn mực Basel 2 trong hoạt động, trước thời hạn một năm.
Hai thành viên đầu tiên này gồm Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Quốc Tế (VIB).
Bốn năm trước, Ngân hàng Nhà nước lên kế hoạch trù tính chọn 10 ngân hàng thương mại tham gia thí điểm thực hiện các chuẩn mực Basel 2, với kỳ vọng đến 2018 tất cả cùng hoàn thành.
Tuy nhiên, trong 10 thành viên được chọn thí điểm trước đây đến nay có trường hợp thậm chí hiện không đáp ứng được các chuẩn mực thông thường đang áp dụng tại Việt Nam. Và với sự kiện trên, mới chỉ có hai thành viên đầu tiên được nhà quản lý “đóng dấu”.
Bên cạnh Vietcombank và VIB, thời gian qua thị trường cũng đón nhận trường hợp Ngân hàng Phương Đông (OCB) khẳng định đã triển khai thành công Basel 2. Vừa qua, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng xúc tiến hồ sơ xin phép Ngân hàng Nhà nước áp dụng toàn phần tiêu chuẩn này.
Trao đổi với nhà đầu tư trong cuộc tiếp xúc gần đây, đại diện Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) cũng cho biết họ đã thực thi xong mô hình Basel 2 từ cuối 2016, bắt đầu vận hành theo các chuẩn mực Basel 2 từ năm 2017 và dự tính sẽ sớm là thành viên trong đợt “đóng dấu” tiếp theo của Ngân hàng Nhà nước…
Dù chưa chính thức, nhưng những năm gần đây một số ngân hàng thương mại Việt Nam cũng đã chuẩn bị và chủ động vận hành từng bước áp dụng Basel 2. Còn theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước, đến 2020, chuẩn mực này sẽ chính thức tạo phân biệt rõ ràng trong hệ thống.
Với diễn biến trên, chính thức áp dụng thành công Basel 2 là chuyển động mới, tạo sự phân hóa mới trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam. Với 35 ngân hàng thương mại, hiện Việt Nam mới chính thức có hai thành viên nói trên tạo khác biệt. Dự kiến, ngay trong năm 2019 với những ứng viên như VPBank, Techcombank, sự phân hóa này sẽ tiếp tục mở rộng.
Bên cạnh áp dụng được Basel 2, sự phân hóa thứ hai cũng đã thể hiện và áp lực đang gần kề: tất toán nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Đến cuối 2018, hệ thống mới chỉ chính thức ghi nhận có 5 thành viên công bố đã tất toán xong, gồm: Vietcombank, Techcombank, MB, VIB và VietinBank.
Nếu Basel 2 tạo sự phân hóa khác biệt về chuẩn mực hoạt động, thì việc tất toán nợ xấu VAMC phản ánh sức mạnh chủ động hơn trong quản lý và xử lý nợ xấu; nợ xấu trên sổ sách phản ánh sát thực hơn tình hình tài chính, thay vì “hoán đổi” nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC.
Theo lộ trình, loạt trái phiếu đặc biệt VAMC phát hành bắt đầu từ tháng 10/2013, có thời hạn 5 năm, đến cuối 2018 lần lượt đáo hạn. Ngoại trừ phần nợ xấu sau khi bán được xử lý, phần còn lại các tổ chức tín dụng theo trái phiếu đáo hạn sẽ nhận về.
Dự kiến đây sẽ là điểm tạo áp lực và phân biệt rõ hơn về mức độ nợ xấu giữa các nhà băng, bắt đầu từ mùa báo cáo tài chính quý 4/2018 sắp tới và tiếp tục cuốn chiếu đáo hạn trái phiếu, nợ xấu nhận về trong năm 2019…
Ở hướng ngược lại, dự kiến cuối năm nay và đầu 2019, hệ thống có thể có thêm một số thành viên mới chủ động tất toán trước hạn được toàn bộ nợ xấu tại VAMC, bên cạnh 5 thành viên nói trên.
Như vậy, cuối 2018 đầu 2019, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam có những chuyển động mới, tạo phân hóa rõ hơn giữa các nhóm thành viên.
Sự phân hóa này tập trung ở tiêu chuẩn hoạt động và sức mạnh tài chính, theo hướng tạo động lực so sánh để cùng tốt lên, mạnh lên, thay vì sự so sánh thông thường về quy mô vốn, quy mô hoạt động nói chung.
Ở một diễn biến khác, cuối 2018 hệ thống ngân hàng Việt Nam đón thêm các thành viên đã và dự kiến có bước tiến mới về vốn điều lệ, như tại TPBank, SCB, SeABank, NCB…, tạo thêm lực chuẩn bị cho năm kinh doanh 2019.
Nguồn: Vneconomy.vn