English
08/042019
Ngân hàng với vấn đề ‘nóng’ Basel II

Năm 2019 là hạn chót để 10 ngân hàng thí điểm gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, VIB và Maritime Bank áp dụng Basel II theo lộ trình của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Đến nay mới chỉ 2 trong số 10 ngân hàng nêu trên là Vietcombank và VIB được NHNN công bố đáp ứng chuẩn Basel II, và 1 nhà băng khác không nằm trong diện thí điểm đạt được là Ngân hàng Phương Đông (OCB).

Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của Basel II là đảm bảo tỷ lệ an toán vốn tối thiểu (CAR) ít nhất là 8%. Để làm được có 2 cách.

Thứ nhất là giảm tổng tài sản rủi ro, cách này không phải là phương thức chủ đạo có thể giải quyết vấn đề của ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng ở mức 2 con số.

Cách thứ 2 được nhiều đơn vị sử dụng là tăng vốn tự có thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức, thưởng bằng cổ phiếu.

Thời gian bắt đầu đếm ngược khiến các ngân hàng phải gấp rút triển khai biện pháp để đạt chuẩn Basel II và NHNN cũng đang thúc đẩy bằng cách cho thấy những “ưu ái” với các đơn vị hoàn thành trước hạn. Làm thế nào để tăng vốn được cho là là câu chuyện sẽ “làm nóng” họp đại hội các ngân hàng năm nay.

Chuyện tăng vốn “đi liền” cổ tức

Trong 2 – 3 năm trở lại đây, một số ngân hàng theo đuổi Basel II liên tục tăng vốn điều lệ theo phương thức chủ yếu là chia cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu.

Gần đây nhất, dù đã đạt chuẩn Basel II, VIB sẽ tiếp tục tăng vốn bằng cách phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 18%, năm trước đơn vị này chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 36%. Nhiều nhà băng khác cũng làm điều tương tự như VPBank chia tỷ lệ 62%, Techcombank chia tỷ lệ 1:2, ACB chia tỷ lệ 15%, HDBank chia tỷ lệ 20%…

Chưa có nhiều ngân hàng công bố kế hoạch cụ thể năm nay nhưng trước áp lực tăng vốn, động thái trên có thể tiếp tục lặp lại. Đơn cử như ACB dự kiến sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng cổ phiếu sau 3 năm thực hiện. Ngân hàng này cũng dự kiến sẽ bán cổ phiếu quỹ để có nguồn tiền tăng vốn. Trong khi đó, Techcombank năm nay dự kiến sẽ không chia cổ tức.

Với các ngân hàng ngoài quốc doanh, việc tăng vốn với cách trên tương đối đơn giản và phụ thuộc vào ý trí của cổ đông lớn thường là các cá nhân hoặc tổ chức tư nhân. Tuy nhiên, câu chuyện phức tạp hơn với các đơn vị Nhà nước.

VietinBank và BIDV, 2 ngân hàng có nhu cầu cấp thiết nhất trong việc tăng vốn để cải thiện CAR, 2 năm gần đây đều phải chia cổ tức bằng tiền mặt theo chỉ định của NHNN và Bộ Tài chính do liên quan đến kế hoạch thu chi ngân sách. Các tờ trình của về chia cổ tức của 2 nhà băng này tại mỗi mùa ĐHCĐ đều phải đưa phương án “nước đôi” bằng tiền hoặc cổ phiếu sau đó chốt phương án thực hiện theo quyết định của NHNN – cổ đông lớn nhất. Và kết quả đều phải trả cổ tức bằng tiền.

Diễn biến trên đặt BIDV và VietinBank vào thế khó trong nhiều năm qua. Trong khi BIDV mới đây đã tìm được cổ đông chiến lược KEB Hana – một ngân hàng Hàn Quốc để phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ, VietinBank vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.

Gần đây, NHNN đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong đó quy định các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.

BIDV và VietinBank là 2 trong số những ngân hàng nắm giữ lượng lớn trái phiếu của VAMC với tổng giá trị lần lượt 14.138 tỷ và 13.426 tỷ đồng. Như vậy, nếu thông tư mới có thể là một đối trọng mới với Bộ Tài chính và NHNN nếu buộc 2 ngân hàng này chia cổ tức bằng tiền.

Basel và ưu đãi nới tín dụng

Trong những nỗ lực thúc đẩy các ngân hàng áp dụng Basel II, NHNN đang bắt đầu đưa ra những ưu đãi cho các đơn vị đạt chuẩn sớm. Mới đây, cơ quan này cho biết sẽ ưu tiên chỉ tiêu tín dụng đối với các nhà băng thực hiện trước thời hạn các quy định về chỉ tiêu an toàn vốn (CAR), trong kế hoạch chung tăng trưởng tín dụng 14% cho cả năm.

VIB, tại ĐHCĐ thường niên, đã thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng 35%. Đây là con số cao nhất trong các ngân hàng tới thời điểm hiện tại. Theo lý giải của Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ, cơ sở để ngân hàng đặt ra chỉ tiêu này là việc VIB thuộc một trong 3 ngân hàng đầu tiên hoàn thành Basel II. Vietcombank, một đơn vị đạt chuẩn Basel II khác cũng dự kiến tiếp tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức 15%, cao hơn mặt bằng chung.

Ở chiều ngược lại, VietinBank, đơn vị đang gặp khó khăn trong việc đáp ứng Basel II đặt kế hoạch tăng trưởng cho vay “khiêm tốn” chỉ 6-8%, thấp hơn năm 2018 ở mức 9%.

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2018 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh 2019, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết ngay từ quý IV/2018, do chưa được NHNN phê duyệt phương án tăng vốn dư nợ tín dụng của ngân hàng đã giảm 26.000 tỷ đồng so với quý trước đó. Việc chưa giải được bài toán Basel II khiến ngân hàng này phải thận trọng trong việc tăng trưởng tài sản, kìm hãm chỉ tiêu kinh doanh.

Ảnh hưởng của Basel II với các ngân hàng đang bắt đầu trở nên rõ nét, từ chuyện tăng vốn cho tới hoạt động kinh doanh. Tại mùa đại hội năm nay, nhiều câu hỏi sẽ chờ các lãnh đạo nhà băng trả lời cho cổ đông.

Nguồn: Người đồng hành