English
09/012023
Nhiều CTCK dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm 2023

Trong báo cáo chiến lược mới năm 2023 mới công bố, Chứng khoán Mirae Asset cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng nhỏ không bắt kịp so với mặt bằng chung. Sự khác biệt sẽ tiếp tục duy trì trong trung hạn bởi các yếu tố như: 1) bảng cân đối thiếu lành mạnh với khả năng sinh lời thấp; 2) tệp khách hàng nhỏ và ngân sách hạn hẹp cho đầu tư công nghệ; và 3) sức mạnh thương hiệu không cao đi kèm với mạng lưới hạn chế, dẫn đến khả năng huy động thấp cũng như khả năng thiếu thanh khoản.

Theo Mirae Asset, trước mắt, nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như lạm phát cao, chỉ số sản xuất thấp do nhu cầu xuất khẩu giảm, và đồng nội tệ suy yếu. Ở khía cạnh tích cực, thu hút FDI duy trì góp phần làm dịu tỷ giá hối đoái ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, các biện pháp thắt chặt tiền tệ dự kiến sẽ không thay đổi trong ngắn hạn.

Mặt khác, động thái tăng lãi suất điều hành hai lần tổng cộng 2 điểm %, khả năng tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới vẫn đang bỏ ngỏ, và triển vọng kinh tế chưa quả quan khuyến khích cả doanh nghiệp lẫn cá nhân giảm đòn bẩy tài chính, đặc biệt là vay nợ cho các nhu cầu như mở rộng kinh doanh hay mua sắm tài sản.

Dựa trên các yếu tố bất lợi đã đề cập, Mirae Asset cho rằng NHNN nhiều khả năng sẽ không đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao như các năm trước là 14%.

Nhóm phân tích nhận định, do các lo ngại về kinh tế vĩ mô cũng như áp lực lạm phát, một bộ phận lớn cư dân sẽ có xu hướng hạn chế chi tiêu và tăng tiết kiệm cũng như tìm kiếm kênh đầu tư an toàn dài hạn. Thêm vào đó, các ngân hàng cũng đang nỗ lực giảm thiểu rủi ro tập trung; vì vậy, kênh tín dụng bán lẻ vẫn được kỳ vọng là động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2023.

Trước đó, nhiều tổ chức phân tích cũng dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ chậm lại trong năm 2023.

Trong báo cáo chiến lược mới phát hành, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) ước tính tăng trưởng tín dụng toàn ngành sẽ vào khoảng 11-12% cho cả năm 2023, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022 do (1) nhu cầu tín dụng giảm trong bối cảnh lãi suất tăng cùng với các động lực tăng trưởng kinh tế có xu hướng suy giảm; (2) Quan điểm hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro của nhà điều hành.

Theo VDSC, tăng trưởng tín dụng sẽ khác nhau giữa các ngân hàng với danh mục khác nhau, đối với những ngân hàng có một trong những yếu tố sau (1) Hỗ trợ ngân hàng 0 đồng, (2) Hỗ trợ chi phí tài trợ kinh tế thông qua giảm lãi suất cho vay, (3) Có bảng cân đối ít phơi nhiễm với các lĩnh vực rủi ro; 4) chất lượng thanh khoản của các NHTM sẽ được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng cùng ngành.

Nguyên nhân thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng.

Đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.

Xuất khẩu – một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam – sẽ tăng trưởng chậm lại 9-10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022).

Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Nguyên nhân thứ hai khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, theo báo cáo, là do lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao, do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.

Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

Nguồn: cafeF.vn