English
09/072024
NHNN đã bán 6,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá, có thể phải tăng lãi suất điều hành trong nửa cuối năm

Đây là những thông tin được Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong báo cáo vĩ mô mới công bố.

 

NHNN đã bán 6,4 tỷ USD để ổn định tỷ giá, có thể phải tăng lãi suất điều hành trong nửa cuối năm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trong báo cáo vĩ mô mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, tháng 6 là tháng thứ hai liên tiếp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hút ròng trên thị trường mở, quy mô khoảng 99,5 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 62% so với tháng trước. Việc hút ròng được cân đối trên cả hai kênh cầm cố giấy tờ có giá (OMO) và phát hành tín phiếu.

Cụ thể, khoảng 54 nghìn tỷ được hút về qua kênh cầm cố và phần còn lại được hút ròng qua tín phiếu NHNN. Tần suất sử dụng kênh tín phiếu là tích cực hơn, đồng thời, NHNN cũng đã nâng lãi suất tín phiếu lên ngang bằng với lãi suất của kênh cầm cố ở mức 4,5%/năm trong tháng 6. Bù lại, NHNN điều tiết kỳ hạn tín phiếu từ 28 ngày còn 14 ngày, có thể là nhằm mục đích ứng phó với những thanh khoản ngắn hạn.

Riêng trong tháng qua, theo thông tin không chính thức, NHNN cũng đã bán ra khoảng 1,9 tỷ USD (~48,3 nghìn tỷ đồng). Quy mô bán ngoại tệ giảm so với tháng 5/2024 và nhu cầu về ngoại tệ có vẻ tăng từ nửa sau của tháng 6. Luỹ kế, đến ngày 03/07, ước tính NHNN đã bán ra khoảng 6,4 tỷ USD (~162,5 nghìn tỷ đồng).

Tổng hợp hai kết quả điều hành trên, VDSC nhận thấy NHNN thực chất là không trung hoà lượng tiền đồng hút về qua kênh bán ngoại tệ. Tại ngày 04/07, số dư trên thị trường mở đối với kênh cầm cố và kênh tín phiếu lần lượt là 34,5 nghìn tỷ đồng và 147,8 nghìn tỷ đồng.

Mặt khác, lãi suất cho vay qua đêm tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng sau khi giảm nhẹ vào cuối tháng 6/2024 đã bật tăng trở lại về vùng 4,5%/năm trong những ngày đầu tháng 7. Việc hút tiền qua thị trường mở và bán ngoại tệ một mặt giúp lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, nhưng đồng thời có khả năng khiến cho thanh khoản tiền đồng trở nên khó khăn.

“Điều này sẽ dẫn đến rủi ro về mặt thanh khoản của hệ thống trong thời gian tới khi cung tiền M2 và huy động tăng chậm nhưng tín dụng đang tăng tốc trở lại”, VDSC đánh giá.

Nhìn về chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm nay, VDSC cho rằng NHNN vẫn phải đối diện với áp lực về tỷ giá trong nửa cuối năm 2024. Nguyên nhân là sức mạnh của đồng USD được dự báo sẽ duy trì bởi (1) chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và các nước khác vẫn cao do Fed cắt lãi suất chậm hơn và ít hơn các NHTW khác, (2) nhiều nhà kinh tế cho rằng nếu Trump thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới sẽ khiến lạm phát tăng trở lại, từ đó ảnh hưởng đến quyết định lãi suất của Fed, và (3) rủi ro địa chính trị kéo dài dẫn đến nhu cầu tích trữ USD như một kênh trú ẩn an toàn.

Dựa trên triển vọng này, nhóm phân tích cho rằng NHNN có thể phải tiếp tục tiêu hao dự trữ ngoại hối nếu muốn kiềm giữ tỷ giá. Do dự trữ ngoại hối của Việt Nam hạn hẹp trong khi nhu cầu đối với đồng USD thường tăng trong giai đoạn gần cuối năm. Điều này sẽ tiềm ẩn rủi ro việc tiêu hao dự trữ ngoại hối của NHNN không đạt được mục đích kiềm chế đà tăng của tỷ giá.

Theo VDSC, giải pháp sắp tới có thể là NHNN sẽ nâng tiếp lãi suất trên thị trường mở để thu hẹp chênh lệch lãi suất USD-VND trên thị trường liên ngân hàng. Hiện tại, lãi suất phát hành tín phiếu và cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%/năm, tương đương với lãi suất tái cấp vốn. Do đó, trong kịch bản không cầm cự được tiếp với dự trữ ngoại hối, VDSC cho rằng NHNN sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản (0,25 – 0,5 điểm %) trong nửa cuối năm 2024.

Trong nửa đầu năm 2024, lãi suất huy động đã trải qua một đợt phục hồi từ vùng đáy, bình quân tăng khoảng 0,3 – 0,5 điểm % so với cuối tháng 3/2024. Tuy nhiên, lãi suất huy động vẫn thấp hơn khoảng 0,15 – 0,45 điểm % so với cuối năm ngoái. Trong nửa sau năm 2024, VDSC cho rằng lãi suất huy động tăng thêm khoảng 0,5 – 1,0 điểm % là một kịch bản phù hợp dựa trên biến động kỳ vọng của tỷ giá và lãi suất chính sách.

Riêng đối với lãi suất cho vay, thống kê của NHNN cho thấy mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,9 điểm % trong 5 tháng đầu năm, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động.

“Việc lãi suất huy động tăng trở lại sẽ ảnh hưởng đến đà giảm của lãi suất cho vay, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tác động này sẽ chỉ bộc lộ rõ hơn vào quý cuối năm hoặc đầu năm 2025”, VDSC dự báo.

Nguồn: An ninh Tiền tệ/cafef