Mới đây nhất, BIDV cho biết đã thông qua phương án bán 17,65% vốn điều lệ hiện tại cho đối tác chiến lược Hàn Quốc là Ngân hàng KEB Hana, qua đó, nâng mức vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng.
Agribank cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiến nghị báo cáo Chính phủ phê duyệt phương án cấp thêm 20.200 tỷ đồng vốn điều lệ cho giai đoạn 2016 – 2020. “Nếu không được cấp thêm vốn thì đến cuối năm 2019, Agribank khó có thể đáp ứng yêu cầu về CAR theo quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Bên cạnh đó, từ chỗ là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất, Agribank đã tụt xuống vị trí thứ tư, việc thiếu vốn có thể làm giảm uy tín, hạn chế khả năng cấp tín dụng của Ngân hàng”, ông Trình Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV của Agribank nói.
Tại VietinBank, ngân hàng đang giữ vị trí quán quân về quy mô vốn điều lệ với hơn 37,2 nghìn tỷ đồng, cổ đông “ngoại” là Ngân hàng MUFG (Nhật Bản) cũng đã đề xuất nâng tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng này từ 19,73% lên 50% vốn điều lệ.
Với Vietcombank, ngân hàng này đã được NHNN phê chuẩn việc tăng vốn điều lệ 10% theo kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ lên mức 39.575 tỷ đồng.
Đánh giá về xu hướng tăng vốn của các ngân hàng nói trên, NHNN cho biết, hệ thống ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn trong việc cải thiện, nâng cao năng lực tài chính để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, đặc biệt là các NHTM có vốn nhà nước trên 50% vốn điều lệ. Thực tế, tỷ lệ CAR bình quân hiện hành của 4 NHTM nêu trên chỉ ở mức 9,4%, thấp hơn nhiều so với mức 13% bình quân cả hệ thống. Hơn nữa, nếu tính toán theo Chuẩn mực vốn Basel II tại Thông tư 41, hệ số CAR của các ngân hàng này sẽ còn thấp hơn mức tối thiểu quy định 8%.
Do đó, cơ quan điều hành chính sách tiền tệ cho rằng, việc tăng vốn điều lệ vào lúc này có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của ngành ngân hàng và cả nền kinh tế. Theo đó, vốn điều lệ sẽ hỗ trợ ngân hàng có điều kiện mở rộng tín dụng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo an toàn tài chính theo chuẩn mực quốc tế.
Nguồn: baodauthau.vn