English
11/062019
Những gam màu trong bức tranh tăng trưởng của ‘Big 4’ ngân hàng trong 3 năm qua

Vài năm trở lại đây, nhóm “Big 4” ngân hàng gồm Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV liên tục so kè thứ hạng. Mặc dù có sự đột biến hoặc sụt giảm mạnh trong tăng trưởng xét theo từng năm nhưng nhìn lại quãng đường 3 năm qua, mức chênh trong tăng trưởng giữa bộ tứ ngân hàng là không quá lớn, nhất là ở các tiêu chí về quy mô.

Ở chỉ tiêu tổng tài sản, Vietcombank là ngân hàng trồi sụt về tăng trưởng nhất khi năm 2017 tăng vọt 31%, cao nhất trong nhóm Big 4 nhưng sang năm 2018, mức tăng chỉ vỏn vẹn 4%, thấp nhất trong nhóm.

Tuy vậy, bình quân 3 năm qua, tăng trưởng tổng tài sản của Vietcombank vẫn dẫn đầu với 17%/năm, nhỉnh hơn một chút so với mức 16% của BIDV và 14% của VietinBank và Agribank.

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV

Ở chỉ tiêu vốn chủ sở hữu, năm 2018 là năm ghi nhận tốc độ tăng trưởng cao của các ngân hàng ngoại trừ trường hợp của VietinBank. Cụ thể, năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu của Agribank lên đến 20%, trong khi con số này ở Vietcombank và BIDV lần lượt là 18% và 12%.

VietinBank ghi nhận tăng trưởng vốn chủ sở hữu 6% trong năm vừa qua. Ngân hàng này không chỉ “cạn room” tăng vốn do tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã ở mức tối thiểu, mà còn “cạn room” tăng trưởng dư nợ cho vay, làm ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng vốn chủ sở hữu.

Trong khi đó, trường hợp của Agribank khá đặc biệt khi một lượng lớn vốn chủ sở hữu tăng thêm trong năm 2018 là do ngừng hợp nhất Công ty Cho thuê tài chính 2 (ALCII) sau khi tòa tuyên phá sản công ty này, giúp vốn chủ sở hữu của Agribank tăng thêm tới 7.107 tỷ đồng.

Xét bình quân 3 năm, tăng trưởng vốn chủ sở hữu của Agribank và Vietcombank tương đương nhau, cùng ở mức 11%/năm. Kế đến là BIDV với 9%/năm và VietinBank với 6%/năm.

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV

Có một điểm đáng chú ý khi nhìn vào tăng trưởng tổng tài sản và tăng trưởng vốn chủ sở hữu năm 2018 của nhóm Big 4 là trong khi tăng trưởng tổng tài sản thấp nhất 3 năm thì tăng trưởng vốn chủ sở hữu lại cao nhất 3 năm. Diễn biến ngược chiều này cho thấy năm 2018, các ngân hàng quốc doanh đã tái cơ cấu theo hướng giảm dần đòn bẩy tài chính, gia tăng sự an toàn.

Sự tái cơ cấu này được thúc đẩy mạnh mẽ bởi ý chí của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan này chủ trương “hãm” dần đà tăng trưởng tín dụng nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô. Các ngân hàng quốc doanh với vai trò là “cánh tay nối dài” của Ngân hàng Nhà nước, là những đơn vị phải thực thi nghiêm túc định hướng này.

Thêm vào đó, việc chỉ tiêu an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng quốc doanh đa phần ở mức thấp (bình quân khoảng 9,5% ở các ngân hàng quốc doanh, cao hơn một chút ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định) cũng là nguyên nhân khiến các ngân hàng này phải tái cơ cấu theo hướng tăng vốn tự có, giảm đòn bẩy tài chính.

Điều này phần nào được thể hiện khi nhìn vào tăng trưởng dư nợ cho vay 3 năm qua. Mức tăng trưởng của năm 2018 thấp nhất 3 năm ở cả 4 ngân hàng. Giai đoạn 2016 – 2018, tăng trưởng dư nợ cho vay của Agribank giảm lần lượt từ 19% xuống 18% rồi 14%; Vietcombank giảm từ 19% xuống 18% rồi 16%; VietinBank giảm từ 23% xuống 19% và tiếp tục giảm xuống 9%; BIDV giảm từ 21% xuống 20% rồi 14%.

Tuy nhiên, xét bình quân 3 năm, tăng trưởng dư nợ cho vay của bộ tứ ngân hàng quốc doanh chênh nhau không đáng kể, đều ở mức 17 – 18%/năm.

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV

“Đồng pha” với sự giảm tốc trong tăng trưởng dư nợ cho vay, tăng trưởng tiền gửi khách hàng của nhóm Big 4 cũng đồng loạt giảm trong năm 2018. Điều này là dễ hiểu bởi “đầu ra” tăng trưởng chậm lại thì “đầu vào” cũng phải chậm theo để tối ưu hóa tỷ suất lợi nhuận.

Dù vậy, khác với dư nợ cho vay, xét bình quân 3 năm, mức chênh trong tăng trưởng tiền gửi khách hàng giữa các ngân hàng quốc doanh là khá rõ rệt. Cao nhất là BIDV với 21%, xếp sau là VietinBank với 19%, Vietcombank với 17% và Agribank với 13%.

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV

Về lợi nhuận, năm 2018 tiếp tục là một năm đặc biệt khi có sự phân hóa lớn về tăng trưởng lợi nhuận thuần. Vietcombank dẫn đầu với 46%, kế đến là Agribank với 26% và BIDV với 21%. Riêng VietinBank ghi nhận tăng trưởng âm (-) 17% do hết “room” tăng trưởng tín dụng.

Thế nhưng xét bình quân 3 năm qua, BIDV mới là “quán quân” tăng trưởng lợi nhuận thuần với 28%/năm, đuổi theo sít sao là Vietcombank với 27%/năm và Agribank với 25%/năm. VietinBank “lọt thỏm” với tăng trưởng lợi nhuận thuần bình quân 3 năm chỉ đạt 8%/năm.

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV

Đối với lợi nhuận sau thuế, Vietcombank là ngân hàng ghi nhận tăng trưởng bình quân cao nhất 3 năm qua với 41%/năm. Xếp ngay sau là Agribank với 36%.

Cũng cần lưu ý rằng sở dĩ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm qua của Agribank ở mức cao là bởi nền lợi nhuận trước đây của ngân hàng này khá thấp do phải mạnh tay trích lập dự phòng, giảm nợ xấu trước thềm cổ phần hóa.

Có phần ngược lại, BIDV lại có nền lợi nhuận trước đây khá cao, cộng với việc phải tăng mạnh trích lập dự phòng đã khiến tăng trưởng lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm gần đây của ngân hàng này chỉ ở mức 6%/năm.

Với VietinBank, con số là 0%/năm do lợi nhuận sau thuế sụt giảm mạnh (-27%) trong năm 2018.

Nguồn: Báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV

Nguồn: vietnamfinance.vn