Đối với Việt Nam trong quý 4/2018, kỳ vọng các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nhìn chung cải thiện với kết quả kinh doanh tăng trưởng khá nhanh so với 2017. Tuy vậy, TTCK Việt Nam khả năng vẫn sẽ đối mặt với biến động lớn, điều này khiến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư khó khăn hơn giai đoạn trước.
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa công bố báo cáo triển vọng TTCK những tháng cuối năm.
Theo BSC, sau giai đoạn biến động đồng pha như các TTCK Khu vực Châu Á trong 2 quý đầu năm, TTCK Việt Nam bắt đầu cho thấy dấu hiệu phân hóa trong quý 3/2018. Nền tảng của các khác biệt này do các điều kiện Vĩ Mô ở Việt Nam đang ở trạng thái thuận lợi hơn so với các quốc gia lân cận.
Các yếu tố bên ngoài vẫn đang rất khó dự đoán và phần lớn đi theo hướng tiêu cực, TTCK toàn cầu bắt đầu phản ứng nhiều hơn do ảnh hưởng của (1) chiến tranh thương mại, (2) bất ổn ở một số thị trường mới nổi, (3) Chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt của các ngân hàng trung ương.
Đối với Việt Nam trong quý 4/2018, kỳ vọng các yếu tố cơ bản của doanh nghiệp nhìn chung cải thiện với kết quả kinh doanh tăng trưởng khá nhanh so với 2017. Tuy vậy, TTCK Việt Nam khả năng vẫn sẽ đối mặt với biến động lớn, điều này khiến việc tìm kiếm cơ hội đầu tư khó khăn hơn giai đoạn trước. Dưới đây là các chủ đề đầu tư BSC lưu ý:
Thứ nhất, điều chỉnh từ Cổ phần hóa và Niêm yết mới. Từ 2016 đến Q2/2018 thị trường liên tục đón nhận các đợt IPO lớn, phát hành riêng lẻ và niêm yết, mức giá tăng cao trong hơn 1 năm trở lại đây và dần điều chỉnh lại về mức hợp lý hơn trong quý 3/2018. Từ quý 4, nhóm cổ phiếu này sẽ phân hóa mạnh hơn theo mức độ cải thiện về cơ bản, cũng như các thông tin quan trọng về thoái vốn, chuyển sàn…
Thứ hai, cơ hội từ Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành. TTCK phân hóa khiến mức giá thoái của các công ty trở về mức hợp lý hơn. Danh sách một số doanh nghiệp cần lưu ý như PVI (bảo hiểm), CSM, DRC, CSV (hóa chất), VGC (vật liệu xây dựng), các công ty của SCIC, và khả năng thoái vốn các Ngân hàng thương mại cũng cần quan sát kỹ lưỡng. Các cuộc đấu giá thoái vốn đầu tiên của quý 4 sẽ là chỉ báo tốt cho chủ đề đầu tư này.
Thứ ba, Ngân hàng phục hồi nhờ kết quả kinh doanh. Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục có một năm tăng trưởng tốt về hoạt động kinh doanh. Đa số các ngân hàng đã lên sàn niêm yết và chiếm tỷ trọng lớn dần trong chỉ số Vn-Index. Sau giai đoạn tăng trưởng nóng về giá cổ phiếu, đợt sụt giảm mạnh cuối quý 2/2018 đã giúp đưa nhiều ngân hàng về mặt bằng định giá hấp dẫn cho NĐT dài hạn. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng mức định giá của Ngân hàng nhanh chóng đạt mức đỉnh như Q1/2018, thêm vào đó là sự phân hóa sẽ diễn ra khi các bất ngờ về kết quả kinh doanh không còn như các quý đầu năm.
Thứ tư, Bất động sản tiếp tục tăng trưởng ghi nhận KQKD cuối năm. Giai đoạn 2018-2019 sẽ là thời điểm tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về KQKD. Tuy nhiên, các chủ đầu tư hướng sang phân khúc trung bình nhiều hơn các năm trước đây và sự chậm trễ trong triển khai do các thủ tục giấy phép. Khiến kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận trong trung hạn không lạc quan như trước đây, qua đó có ảnh hưởng đến triển vọng cổ phiếu bất động sản. Do BĐS là ngành đầu nguồn, nên cũng sẽ có ảnh hưởng đến triển vọng các ngành hạ nguồn như Xây dựng, vật liệu.
Thứ năm, bất ổn bên ngoài và các ngành phòng thủ. Mặc dù Việt Nam nằm trong TTCK khu vực Châu Á vốn đang phục hồi dần sau nhiều xáo trộn, được châm ngòi bởi Chiến tranh thương Mại và chính sách tiền tệ thắt chặt tại các quốc gia lớn, bất ổn trong giai đoạn sắp tới là khó tránh khỏi. Giai đoạn này BSC vẫn cho rằng NĐT có thể tập trung chú ý sang những ngành có mức độ phòng thủ cao, thiên về thị trường trong nước như Điện (POW, NT2), Bán lẻ (MWG, PNJ), Thực phẩm (VNM)…những ngành vẫn đang được hưởng lợi và duy trì tăng trưởng ổn định theo nhu cầu nội tại của nền kinh tế.
Thứ sáu, Các ngành hưởng lợi từ xu hướng mới. Triển vọng kinh tế đang thay đổi nhanh kèm với môi trường địa chính trị toàn cầu có nhiều ẩn số, đi kèm với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Điều này dẫn tới sự dịch chuyển trong cả sản xuất lẫn tiêu dung. Một trong số đó là xu hướng China+1 đã tiếp diễn nhiều năm, hiện tại với sự tác động của chiến tranh thương mại, lại càng mạnh mẽ hơn. Cần lưu ý thêm, các tác động tốt của chiến tranh thương mại, nếu có, sẽ đến chậm do cần thời gian phản ánh vào KQKD doanh nghiệp. Trong khi đó các tác động xấu, thường sẽ lan nhanh do hiệu ứng tâm lý. Đồng thời các ngành hưởng lợi cũng phân hóa theo nhóm có tính chu kỳ cao (chỉ hưởng lợi ngắn hạn) và nhóm có tính chu kỳ thấp. Một số ngành nghề của Việt Nam có thể được hưởng lợi như: các ngành xuất khẩu (dệt may, thủy sản…), phục vụ xuất khẩu (logistic, cảng biển, hàng không, khu công nghiệp…).
Nguồn: Trí thức trẻ