Thông tư nêu rõ mục đích kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng nhằm xem xét, đánh giá thông tin, số liệu, tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra để đảm bảo đầy đủ, chính xác, tuân thủ quy định của pháp luật về tiền tệ và ngân hàng.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng; phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng và hệ thống tài chính; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và khách hàng của tổ chức tín dụng.
Theo Thông tư quy định, việc kiểm tra được thực hiện đúng thẩm quyền và trên cơ sở quy định pháp luật; việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất.
Bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, dân chủ, kịp thời, phối hợp hiệu quả. Bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra giữa hoạt động kiểm tra của các đơn vị kiểm tra, giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra.
Khi tiến hành hoạt động kiểm tra, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra thì thực hiện hoạt động thanh tra; nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra, thủ trưởng các đơn vị kiểm tra thống nhất để thực hiện một cuộc kiểm tra.
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm. Thống đốc NHNN giao thủ trưởng các đơn vị hành chính khác thuộc NHNN ký thừa lệnh kế hoạch kiểm tra hàng năm.
Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, gửi kế hoạch kiểm tra đã được ban hành cho các đơn vị hành chính khác thuộc NHNN.
Các đơn vị hành chính khác thuộc NHNN xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 25 tháng 12 hàng năm, đảm bảo không trùng lặp với kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch kiểm tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho năm đó.
Kế hoạch kiểm tra hàng năm có thể sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.
Kết quả triển khai thực hiện công tác kiểm tra của đơn vị kiểm tra những năm trước;
Kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng cho năm dự kiến kế hoạch kiểm tra (đối với kế hoạch kiểm tra của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng); kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh đó cho năm dự kiến kế hoạch kiểm tra (đối với kế hoạch kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh); kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, kế hoạch thanh tra của Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh trên địa bàn dự kiến kiểm tra cho năm dự kiến kế hoạch kiểm tra (đối với kế hoạch kiểm tra của đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước);
Tình hình chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng của đối tượng kiểm tra; chỉ đạo, yêu cầu của các cấp có thẩm quyền; yêu cầu của công tác quản lý nhà nước trong ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý; yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Kế hoạch kiểm tra hàng năm phải có tối thiểu các nội dung: Căn cứ ban hành kế hoạch kiểm tra; mục đích, yêu cầu kiểm tra; đối tượng kiểm tra; nội dung kiểm tra; thời gian tiến hành kiểm tra.
Kế hoạch kiểm tra hàng năm và văn bản sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra hàng năm phải được gửi cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày được ban hành.
Đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở yêu cầu, đề nghị, phản ánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức, cá nhân hoặc khi có yêu cầu, chỉ đạo của Thống đốc NHNN.
Nguồn: Chinhphu.vn