Lãi suất và ưu đãi +++
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) mới đây ra mắt sản phẩm TV8.8 với lãi vay margin từ 8,8%/năm, áp dụng cho toàn bộ khách hàng mới, khách hàng mở tài khoản từ 1/1/2020 chưa giao dịch và khách hàng không hoạt động từ 1 năm trở lên.
Tương tự, Chứng khoán VPS tiếp tục tung ra các gói ưu đãi margin; Chứng khoán Bản Việt áp dụng lãi suất margin từ 9%/năm; Chứng khoán AIS có mức lãi margin 9%/năm với khách hàng có dư nợ dưới 1 tỷ đồng; Chứng khoán SSI, Chứng khoán FPT, Chứng khoán Bảo Việt cũng giảm lãi suất margin cho nhà đầu tư.
So với lãi suất 9,5%/năm cho khách hàng mới của một công ty chứng khoán ngoại là Chứng khoán Mirae Asset (MAS), thì những mức lãi suất trên của công ty chứng khoán nội có phần cạnh tranh hơn. Điều này cho thấy, khối công ty nội đã bước vào cuộc “so găng” quyết liệt với các đối thủ có nguồn cho vay giá rẻ từ nước ngoài.
Song lãi suất không phải là yếu tố duy nhất khiến các nhà đầu tư quan tâm, mà còn nhiều yếu tố khác. Thông thường, lãi suất sẽ áp theo các yếu tố như giá trị tài sản của khách hàng và vòng quay giao dịch.
Đơn cử, ở MAS, giá trị tài sản dưới 5 tỷ đồng, giá trị giao dịch 20 tỷ đồng/tháng mới được hưởng lãi suất 9,3%/năm; nếu như giá trị tài sản > 1 tỷ đồng, giá trị giao dịch <10 tỷ đồng/tháng thì lãi suất là 9,9%/năm.
Một số công ty như Chứng khoán ACB áp dụng T7, tức là thanh toán nợ trong 7 ngày thì miễn lãi, hoặc có công ty áp dụng gói lãi suất T10, nhưng điều kiện không dễ để nhà đầu tư nào cũng có thể được hưởng. Chẳng hạn, giá trị giao dịch trong tháng phải gấp 5 – 7 lần nợ margin mới được nhận lãi suất ưu đãi.
Những công ty chứng khoán tham gia cuộc đua mới nhận thấy bất cập trên đối với nhiều nhà đầu tư nên đã đưa ra chính sách ưu việt hơn.
Chẳng hạn, TVSI đưa ra chính sách “4 không” cho khách hàng, bao gồm: không áp giá trị giao dịch tối thiểu và phí giao dịch tối thiểu; không áp dư nợ tối thiểu với từng mốc tính lãi; không tính lãi phạt, phí phạt; không áp lãi suất về lãi suất gói dịch vụ thông thường khi không đạt tiêu chí, không nhất thiết phải sử dụng tiền để giao dịch chứng khoán.
Cạnh tranh buộc các công ty chứng khoán tìm những đất sáng tạo cho mình. Họ ghi nhận các tài sản như trái phiếu, sổ tiết kiệm để bổ sung tài sản bảo đảm bảo. Điều này sẽ tạo sự linh hoạt hơn cho nhà đầu tư, thay vì chỉ có thể bổ sung tiền hoặc chuyển chứng khoán đã lưu ký ở tài khoản khác về bổ sung tài sản bảo đảm.
Gần đây, công ty chứng khoán ngoại còn “mất điểm” với nhà đầu tư bởi một số quy định “cứng”. Ví dụ, tại MAS, khi tỷ lệ nợ/tài sản giảm xuống dưới 0,32, nhà đầu tư sẽ phải bán cổ phiếu ngay trong phiên, trong khi ở không ít công ty nội, qua trao đổi hai bên, nhà đầu tư thường có thêm thời gian để xử lý.
Trong thời điểm thị trường biến động mạnh như vừa qua, đây là lợi thế không nhỏ với nhà đầu tư, vì phiên hôm trước giảm mạnh, hôm sau đã tăng vọt trở lại và tài khoản phục hồi nhanh chóng.
Cũng có điểm nhà đầu tư phải lưu ý kỹ khi sử dụng dịch vụ margin. Chẳng hạn, quy định về miễn lãi T+2 của MAS.
Nếu nhà đầu tư không mua và bán cùng trong ngày thì sẽ được miễn lãi T+2, nhưng có mua bán trong cùng 1 ngày, hệ thống sẽ tự động ứng tiền bán của ngày hôm đó để trả nợ margin (nếu có), phí ứng tương đương lãi margin phát sinh trong 2 ngày khi mua cổ phiếu.
Cạnh tranh đi vào chiều sâu
Tại sao đến thời điểm này các công ty chứng khoán nội mới gia nhập cuộc cạnh tranh sòng phẳng về dịch vụ cho vay, thậm chí có thể nói nhỉnh hơn cả công ty chứng khoán ngoại, vốn có lợi thế nguồn vốn giá rẻ lâu nay?
Tổng giám đốc một công ty chứng khoán có quy mô vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng cho biết, năm ngoái, Công ty hạn hẹp về nguồn do ngân hàng mẹ co lại nhằm đáp ứng các yêu cầu thanh, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước, nhưng năm nay đã được cấp hạn mức bình thường trở lại, thậm chí gần đây nguồn rất dồi dào, chi phí vốn khi ngân hàng “ứ đầu ra” cũng giảm mạnh.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 2,8% so với cuối năm ngoái. Đặc biệt, TP.HCM có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn bình quân chung của cả nước, nhưng 6 tháng qua chỉ tăng 2,52%.
Nhu cầu vốn của nền kinh tế xuống thấp do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm cho các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, thậm chí cố gắng cầm cự nhằm vượt qua khó khăn, khiến không ít ngân hàng “bí” đầu ra. Chứng khoán do đó có thể là một kênh để dòng tiền tìm đến.
Dữ liệu tổng hợp từ Top 20 công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường cho thấy, dư nợ margin tính đến cuối quý II/2020 là 48.700 tỷ đồng, tăng 0,76% so với cùng kỳ và tăng 12,6% so với quý I. Tuy nhiên, doanh thu margin đạt 1.332 tỷ đồng, giảm 3,76% so với quý I và giảm 5,04% so với cùng kỳ, cho thấy xu hướng cạnh tranh về lãi suất ngày càng khốc liệt.
Dù vậy, việc chạy đua về phí, lãi vay không phải là mục tiêu cạnh tranh hàng đầu của các công ty chứng khoán, bởi nhà đầu tư quan tâm nhiều đến các yếu tố về dịch vụ, tư vấn, công nghệ, cùng những sản phẩm giúp quản lý tài sản một cách đồng bộ.
Dù lãi vay margin có thấp nhưng nếu hệ thống giao dịch trực tuyến dễ “sập nguồn” cũng dễ khiến nhà đầu tư ngán ngẩm, muốn chuyển tài khoản sang công ty chứng khoán khác.
Hoặc ở những chuỗi “ngày bùng nổ theo đà” cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nhà đầu tư rất dễ bị cảm xúc và yếu tố tâm lý chi phối, phá vỡ kỷ luật đầu tư đã đặt ra về mức chốt lãi hoặc cắt lỗ. Khi đó, công ty chứng khoán có đội ngũ tư vấn kinh nghiệm, nhiệt tình, hỗ trợ nhà đầu tư giữ vững kỷ luật sẽ “ghi điểm”.
Hay đơn giản là nhiều công ty được khách hàng gắn bó nhờ có năng lực, bộ lọc và độ nhạy đánh giá thị trường tốt khi cung cấp danh sách và hạn mức chứng khoán được ký quỹ phù hợp với nhà đầu tư.
Thậm chí, việc loại bỏ chứng khoán được ký quỹ kịp thời cũng giúp nhà đầu tư hạn chế thiệt hại khi thị trường diễn biến bất lợi.
Với nhiều yếu tố tổng hòa như vậy, cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán được nhìn nhận sẽ đi mạnh vào chiều sâu, dù được hỗ trợ đắc lực ở yếu tố cung tiền dồi dào.