Thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam đã ở mức tương đối cao so với các quốc gia tại châu Á.
Cạnh tranh sản phẩm, hình thức phân phối ngày càng hiện đại
Theo báo cáo về ngành bảo hiểm của CTCK BVSC, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, các công ty bảo hiểm trong nước và thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đẩy mạnh phát triển sản phẩm mới.
Các sản phẩm bảo hiểm ngày càng được hoàn thiện và đa dạng hóa. Số lượng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã tăng từ 100 sản phẩm năm 2009 lên 350 sản phẩm tính đến cuối 2016 và số lượng bảo hiểm phi nhân thọ tăng từ 200 sản phẩm năm 1999 lên hơn 1.000 sản phẩm cho đến nay.
Ngoài ra, các hình thức phân phối hiện đại đang dần được phát triển nhờ sự hỗ trợ về kinh nghiệm triển khai của các công ty bảo hiểm nước ngoài. Theo nghiên cứu của Swiss Re, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có xu hướng mở rộng kênh phân phối trực tiếp (online, telesales…) trong khi thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn khai thác chủ yếu kênh trung gian đại lý.
Tại Việt Nam, Bancassurance lần đầu tiên khai trương vào 2001 với sự hợp tác giữa AIA và HSBC. Kênh online được hầu hết các công ty bảo hiểm phi nhân thọ lớn triển khai trong năm 2016.
Hơn nữa, sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ về tài chính, cụ thể việc tăng vốn giúp các công ty bảo hiểm nâng cao năng lực bảo hiểm và tăng tỷ lệ giữ lại.
Đồng thời, hỗ trợ về đào tạo nhân sự; đóng góp ý kiến xây dựng khung pháp lý và kỷ luật thị trường (market discipline) đặc biệt đối với việc vận hành sản phẩm mới và kênh phân phối hiện đại. Ngoài ra, sau này khi cơ quan quản lý bãi bỏ biểu phí chuẩn, tự do hóa thị trường, sự hỗ trợ từ các công ty nước ngoài trong việc định giá sản phẩm là vô cùng cần thiết.
Cuộc chiến thị phần
Theo thống kê của BVSC, thị phần các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài tại Việt Nam đã ở mức tương đối cao so với các quốc gia tại châu Á.
Kể từ khi thị trường bảo hiểm nhân thọ chính thức mở cửa theo Mode 3 năm 1999, thị phần của Baoviet Life sụt giảm nhanh chóng và sau đó 5 năm, Prudential chính thức vượt qua Baoviet Life trở thành doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ số 1 trên thị trường.
Từ năm 2010 đến nay, Baoviet Life duy trì được thị phần của mình xung quanh mức 27-28% trong khi Prudential sụt giảm mạnh từ 39% xuống 27%.
Cơ cấu thị trường thay đổi thế nào khi có sự tham gia của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài? Theo BVSC, trong ngắn và trung hạn, cơ cấu thị trường dự báo không có quá nhiều thay đổi do doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nội duy nhất trên thị trường đã dần cải thiện về mặt thiết kế sản phẩm, định giá, phân phối cũng như khẳng định được thương hiệu đối với người dân. Việt Nam cũng chỉ mới mở cửa theo Mode 3 trong cam kết AEC 2020.
Về dài hạn, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nội địa có khả năng mở rộng thị phần do sự phát triển của bảo hiểm hưu trí tự nguyện.
Nguồn: Trí thức trẻ