English
23/092019
Sau giảm lãi suất điều hành, lãi suất các ngân hàng có hạ?

Ngoài ra, nhiều ngân hàng đã thực hiện điều chỉnh tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng. Cụ thể, BacABank nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng từ 7,3% lên 7,5%/năm; VPBank tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng từ 7-7,3%/năm lên 7,3-7,5%/năm; ABBank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm 6 tháng từ 6,8% lên 7,5%/năm.

Ở kỳ hạn dài hơn, mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn 12 tháng là 8,5%/năm tại ABBank, không kèm điều kiện đặc biệt. Đối với kỳ hạn 13 tháng, Ngân hàng Bản Việt đang đưa ra mức lãi suất 8,4%/năm, tuy nhiên mức lãi suất 12 tháng của Bản Việt chỉ 8%/năm.

Sau ABBank, Bắc Á và OCB là có lãi suất huy động ở 8,1%/năm. Trong đó, Bắc Á nâng lãi suất tại tất cả các kỳ hạn trên 12 tháng thêm 2 điểm phần trăm từ 7,9%/năm. Nhà băng này cũng nâng lãi suất kỳ hạn 6 tháng thêm 1 điểm phần trăm lên 7,5% và kỳ hạn 9 tháng thêm 2 điểm phần trăm lên 7,9%/năm, trong khi các kỳ hạn 1-3 tháng giữ ở 5,5% và không kỳ hạn là 1%/năm. Nhìn chung trong hệ thống, Bắc Á vẫn là ngân hàng có mặt bằng chung lãi suất kỳ hạn ngắn cao nhất.

SCB cũng là ngân hàng có mức lãi suất khá cao, lãi suất cao nhất tại đây là 8,55% áp dụng cho sản phẩm tiết kiệm đắc lộc phát kì hạn từ 13 tháng trở lên. NCB và VietCapital Bank niêm yết ở mức 8,0%/năm.

Ngược lại với các ngân hàng thương mại cổ phần đang có sự cạnh tranh gay gắt lãi suất để hút tiền gửi, 4 ngân hàng có vốn Nhà nước vẫn đứng cuối trong thang lãi suất huy động hiện nay. BIDV và VietinBank giữ ở mức 7%/năm, trong khi Agribank và Vietcombank giữ ở mức 6,8%/năm với kỳ hạn 12 tháng.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, ở hầu hết ngân hàng lãi suất đều nhỉnh hơn lãi suất thông thường tại quầy từ 0,1 – 0,3 điểm %. Bên cạnh đó, với những nhóm khách hàng đặc biệt như khách hàng trung niên (từ 50 tuổi trở lên), khách hàng ưu tiên, khách hàng thân thiết… cũng được hưởng những ưu đãi tốt hơn khi gửi tiết kiệm.

Như vậy, sau tuyên bố giảm lãi suất điều hành của NHNN, hầu hết các ngân hàng thương mại không có động thái giảm lãi suất huy động.

Theo các chuyên gia, cuối năm là thời điểm nhu cầu chi trả cao, những ngân hàng yếu thanh khoản chỉ còn cách đẩy lãi suất cao để huy động nguồn tiền từ tổ chức doanh nghiệp và dân cư, bởi việc vay mượn trên liên ngân hàng không dễ vì một số định chế lớn chuyên cung vốn luôn đòi hỏi tài sản bảo đảm và lãi suất cao.

Thực tế cuộc đua lãi suất huy động kỳ hạn dài đang được dẫn dắt bởi các ngân hàng nhỏ. Dù các ngân hàng lớn chưa tham gia cuộc đua, nhưng nếu xu hướng tăng lãi suất vẫn tiếp diễn thì trong tương lai sẽ khó đứng ngoài bởi sẽ không huy động được vốn.

Các chuyên gia kinh tế dự báo mặt bằng lãi suất huy động thời gian tới có thể tăng thêm, nguyên nhân là nhu cầu tín dụng tăng cao cuối năm, đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Đồng thời còn do USD trong xu hướng tăng giá nên nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động VND để tránh việc khách hàng rút VND đầu cơ vào USD.

Bên cạnh đó, hiện nay, tín dụng đã tăng trưởng nhanh hơn so với huy động vốn, nên các ngân hàng đang cần đẩy mạnh huy động vốn để có thể theo kịp tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Nhóm phân tích của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá lực tăng lãi suất huy động vẫn cao trong giai đoạn cuối năm 2019 khi Dự thảo thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định giảm tỷ lệ tối đa cho vay trung và dài hạn từ nguồn vốn ngắn hạn xuống 35% hoặc 37% vào ngày 1/7/2020 từ mức 40% hiện nay.

Nguồn: VTC News/CafeF.vn