English
14/052019
Tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng quý 1/2019: Người sắp cạn room, kẻ không tăng nổi

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 17/4/2019, tăng trưởng tín dụng ở mức 3,23% so với đầu năm. Như vậy, con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của cùng kỳ 2018 và 2017, đồng thời cũng thấp hơn so với mức tăng bình quân 3,5% cùng kỳ các năm trước đó.

Đi cụ thể vào từng ngân hàng, bức tranh tăng trưởng tín dụng trong 3 tháng đầu năm cho thấy sự phân hóa rõ rệt. Trong khi nhiều ngân hàng tăng trưởng âm, một số khác lại tăng rất cao, thậm chí sắp cạn “room” được NHNN giao.

Nhóm có tăng trưởng tín dụng nhanh phải kể đến 3 ngân hàng tư nhân VIB, TPBank, OCB. Theo thống kê, TPBank là ngân hàng có tăng trưởng dư nợ cho vay cao nhất trong những tháng đầu năm, với mức tăng tới 9,8% trong quý 1. Nếu tính các cấu phần khác, dư nợ tín dụng của nhà băng này đã tăng tới khoảng 11%, trong khi hạn mức mà TPBank được NHNN giao chỉ 13%. Với việc sử dụng gần hết room tín dụng trong quý 1 và đạt Basel II, lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng sẽ được NHNN nới lên mức 20%. Ông Nguyễn Hưng, TGĐ TPBank cho biết, năm 2018, ngân hàng này được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% và sau đó được NHNN nới lên 18,5%.

Tại VIB, trong 3 tháng đầu năm, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9% đạt 100.870 tỷ đồng. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết kỳ vọng sẽ được NHNN cho phép tăng trưởng tín dụng ở mức 35%, song nếu được chấp thuận ở mức nào thì sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép.

Mong muốn được tăng trưởng tín dụng cao còn có OCB. Tại ĐHĐCĐ thường niên, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, dư nợ tín dụng thị trường 1 năm 2019 dự kiến sẽ đạt 75.253 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2018. Trong quý 1, dư nợ cho vay của ngân hàng này cũng đã tăng tới 8,7%.

Bên cạnh 3 ngân hàng nói trên, nhiều ngân hàng lớn cũng có tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao trong những tháng đầu năm và nếu duy trì đà tăng trưởng như vậy thì sẽ sớm chạm giới hạn mà NHNN cho phép.

Vietcombank, một trong những ngân hàng sớm “tốt nghiệp” Basel II nên nằm trong diện được ưu tiên cấp “room” tín dụng cao hơn cũng chỉ được NHNN giao cho mức 15%. Trong quý đầu năm, tăng trưởng cho vay ở nhà băng này đã lên tới 6,4%, tức đã dùng hơn 40% hạn mức cho phép dù mới chỉ bước qua 3 tháng.

Ở Sacombank, ngân hàng cũng sắp dùng hết hạn mức được cấp và đang phải xin NHNN nới “room” tăng trưởng tín dụng năm nay. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết Sacombank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 7% và hiện nhà băng này đang trình cơ quan quản lý chấp thuận điều chỉnh tăng chỉ tiêu lên mức 15%. Trong quý 1, tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng này cũng rất cao; đến cuối tháng 3, dư nợ cho vay của Sacombank là 271.020 tỷ đồng, tăng 5,61% so với đầu năm.

Trong khi những ngân hàng trên sắp dùng hết hạn mức thì nhiều nhà băng khác tăng trưởng rất thấp, hoặc thậm chí còn sụt giảm cho vay trong quý 1.

Nhóm tăng trưởng thấp này chủ yếu xảy ra ở các ngân hàng nhỏ, như NCB có dư nợ cho vay sụt giảm 2,5%, Saigonbank giảm 0,4%; VietCapitalBank và PGBank chỉ tăng lần lượt 1,32% và 1,87% còn MSB gần như không thay đổi. Ngoài ra, ngân hàng tầm trung như Eximbank, quý đầu năm nay tín dụng cũng tăng trưởng âm 2,9% với dư nợ rơi xuống dưới 100.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, “ông lớn” VietinBank có dư nợ cho vay tiếp tục giảm gần 6.600 tỷ đồng sau khi đã giảm hơn 26.000 tỷ trong quý 4/2018 trước đó. So với đầu năm, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này là âm 0,8%. Cả năm 2019, VietinBank chỉ đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng có 6-7%, bằng một nửa so với các ngân hàng lớn khác.

Ngoại trừ VietinBank vì vướng mức về tăng vốn, việc tăng trưởng cho vay thấp của nhóm ngân hàng top dưới cho thấy nhóm này ngày càng khó có cửa để cạnh tranh với các ngân hàng lớn. Thị phần cho vay đã nhỏ, tăng trưởng lại yếu thì khoảng cách, chênh lệch của nhóm này so với các ông lớn ngày càng cách biệt. Trong khi đó, thu nhập tín dụng ở các ngân hàng này là nguồn thu chủ yếu với tỷ lệ đóng góp thường trên 90%; sự dịch chuyển cơ cấu thu nhập sang nguồn thu ngoài lãi lại rất chậm chạp, sản phẩm không có sự khác biệt và vượt trội so với các ngân hàng lớn.

Thực tế, việc tăng trưởng cho vay thấp cũng đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của nhóm ngân hàng top dưới. Thu nhập lãi thuần ở Saigonbank quý 1 chỉ tăng 0,8%, VietCapital Bank giảm 2,6%, còn NCB thậm chí giảm tới 22,7%. Kết quả là, lợi nhuận của Saigonbank giảm 39%, VietCapital Bank giảm 75%, NCB chỉ ở mức tương đương cùng kỳ,…

Đối với các ngân hàng tăng trưởng tín dụng quá cao trong quý đầu năm cũng chưa hẳn là điều tốt bởi điều đó đồng nghĩa với việc hạn mức tăng trưởng cho vay trong 3 quý còn lại sẽ hẹp hơn. Việc xin NHNN cấp thêm “room” chưa chắc đã được chấp nhận buộc những nhà băng này phải cơ cấu lại dư nợ cho vay theo hướng tăng biên lợi nhuận. Và phải lưu ý rằng, chú trọng cho vay vào phân khúc có biên lợi nhuận cao mà không quản trị rủi ro tốt thì có thể dẫn tới khả năng nợ xấu tăng lên.

Nguồn: Trí thức trẻ/CafeF.vn