English
23/102018
Giám sát hợp nhất tập đoàn tài chính

1. Một số nét khái quát về giám sát tập đoàn tài chính trên phương diện hợp nhất:

1.1. Khái niệm về giám sát tập đoàn tài chính trên phương diện hợp nhất:
Giám sát tập đoàn tài chính trên phương diện hợp nhất (giám sát hợp nhất) là việc đánh giá tổng thể cả về mặt định lượng lẫn định tính đối với năng lực của tập đoàn tài chính (những tập đoàn trong đó có thành viên hoặc công ty mẹ là ngân hàng, công ty bảo hiểm hoặc công ty chứng khoán, đồng thời đa phần tỷ trọng doanh thu của tập đoàn là từ lĩnh vực tài chính-ngân hàng) để xem xét những ảnh hưởng tiềm tàng từ những công ty thành viên khác của tập đoàn tới ngân hàng.
Giám sát định lượng được thực hiện trên cơ sở tập đoàn tài chính đưa ra được những thông tin thống kê về tình hình đảm bảo an toàn hoạt động trên phương diện hợp nhất có liên quan tới các chỉ tiêu an toàn vốn và những khoản tín dụng tập trung có rủi ro cao.
Giám sát định tính được thực hiện trên cơ sở những thông tin do tập đoàn tài chính cung cấp về: cơ cấu của tập đoàn (về mặt pháp lý, địa lý, ngành nghề), những đơn vị kinh doanh trọng yếu của tập đoàn, cơ cấu kinh doanh và quản trị của tập đoàn.
1.2. Cơ sở lý luận của việc thực hiện giám sát hợp nhất:
– Quy định liên tịch về giám sát đối với tập đoàn tài chính phiên bản tháng 2/1999 của Ủy ban Basel (giám sát ngân hàng), Hội đồng chứng khoán quốc tế-IOSC (giám sát chứng khoán) và Hiệp hội giám sát bảo hiểm quốc tế-IAIS quy định về những nguyên tắc an toàn vốn; nguyên tắc xác định mức độ thích hợp và phù hợp (fit and proper) của bộ máy quản trị, điều hành tập đoàn tài chính; nguyên tắc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giám sát; hướng dẫn thiết lập nội dung văn bản phối hợp giữa các cơ quan giám sát (MOU).
– Nguyên tắc cơ bản số 24 và 25 của Ủy ban Basel (Nguyên tắc cơ bản để giám sát ngân hàng hiệu quả-Phiên bản tháng 06/20011 của Ủy ban Basel):
+ Nguyên tắc số 24: Một yếu tố cần thiết của việc giám sát ngân hàng là phải thực hiện giám sát tập đoàn ngân hàng trên cơ sở hợp nhất, theo dõiởmotj cách phù hợp và áp dụng tất cả các tiêu chí đảm bảo an toàn khi cần thiết đối với tất cả các lĩnh vực hoạt động kinh doanh mà toàn bộ tập đoàn thực hiện trên phạm vi toàn cầu.
+ Nguyên tắc số 25: Việc giám sát hợp nhất liên quốc gia đòi hỏi sự hợp tác và trao đổi thong tin giữa cơ quan giám sát nước đặt trụ sở chính ngân hàng với các cơ quangiám sát có liên quan, yêu cầu tập đoàn thực hiện theo cùng một tiêu chuẩn giống như đối với các ngân hàng trong nước.
– Nguyên tắc kế toán lập báo cáo tài chính hợp nhất gồm:
+ Chuẩn mực kế toán quốc tế số 27 (IAS 27) – Báo cáo tài chính hợp nhất và riêng lẻ phiên bản sửa đổi năm 2004 quy định và hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp lập và trình bày báo cáo tài chính hợp nhất của một tập đoàn gồm nhiều công ty chịu sự kiểm soát của một công ty mẹ và kế toán khoản đầu tư vào công ty con trên báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
+ Chuẩn mực kế toán quốc tế số 28 (IAS 28) – Các khoản đầu tư vào công ty liên kết quy định hướng dẫn các nguyên tắc và phương pháp hạch toán kế toán đối với các khoản đầu tư vào công ty liên kết.
Báo cáo tài chính hợp nhất là dữ liệu mấu chốt để trên cơ sở đó tiến hành giám sát tập đoàn tài chính hiệu quả. Nó giúp cho cơ quan giám sát tài chính đo lường rủi ro tài chính của tập đoàn tài chính và áp dụng những tiêu chuẩn giám sát đối với toàn bộ tập đoàn tài chính (trên phương diện hợp nhất). Hiện nay, hệ thống Chuẩn mực kế toán Việt Nam đã phần lớn tuân thủ yêu cầu của Chuẩn mực kế toán quốc tế về vấn đề kế toán hợp nhất (Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 25 Báo cáo tài chính hợp nhất và kế toán khoản đầu tư vào công ty con, Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 07 Kế toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết và Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của NHNN về Chế độ BCTC đối với TCTD). Do vậy có thể thấy tiền đề cơ bản để thực hiện giám sát hợp nhất tập đoàn tài chính tại Việt Nam đã xuất hiện.
2/ Sự cần thiết phải thực hiện giám sát ngân hàng trên phương diện hợp nhất ở Việt Nam:
2.1. Tuân thủ thông lệ và chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng hiệu quả khi nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập với kinh tế khu vực và quốc tế:
Theo Ủy ban Basel (cơ quan có chức năng hướng dẫn và quy định về những chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng an toàn và hiệu quả), để đánh giá chất lượng của hệ thống giám sát ngân hàng của một quốc gia từ đó xác định những công việc sẽ phải làm trong tương lai để tạo lập nền tảng cho hoạt động giám sát ngân hàng minh bạch và lành mạnh thì quốc gia đó cần tiến hành tự đánh giá mức độ tuân thủ của hệ thống giám sát ngân hàng (cả về mặt khung pháp lý lẫn hoạt động thực tiễn) với yêu cầu của 25 Nguyên tắc cơ bản của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cơ quan giám sát ngân hàng của Việt Nam) đã thực hiện tự đánh giá theo 25 Nguyên tắc Basel như đã nêu ở trên và có bản báo cáo cuối cùng trong năm 2011. Theo bản báo cáo này, hệ thống giám sát ngân hàng Việt Nam có: (i) 4/25 nguyên tắc được đánh giá ở mức độ tuân thủ; (ii) 9/25 tuân thủ phần lớn; (iii) 11/25 phần lớn không tuân thủ; (ii) 1/25 chưa tuân thủ. Theo kết quả đánh giá này, cơ quan giám sát ngân hàng Việt Nam chưa tuân thủ yêu cầu về giám sát ngân hàng hợp nhất của Ủy Ban Basel (cũng theo Báo cáo năm 2011, đây là một trong những điểm thiếu sót trọng yếu của hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng Việt Nam) thể hiện ở 2 khía cạnh:
– Nguyên tắc số 20 – phiên bản tháng 9/1997 tương ứng với Nguyên tắc số 24 – phiên bản tháng 6/2011 (đã đề cập ở Phần 1 trên đây) được đánh giá ở mức phần lớn không tuân thủ.
– Nguyên tắc số 24-phiên bản tháng 9/1997 (quy định về việc phối hợp, trao đổi thông tin giám sát ngân hàng giữa cơ quan giám sát ngân hàng của quốc gia nơi ngân hàng đặt trụ sở chính và cơ quan giám sát ngân hàng của quốc gia nơi ngân hàng mở chi nhánh) tương ứng với một phần của Nguyên tắc số 25-phiên bản tháng 6/2011 (đã đề cập ở Phần 1 trên đây) được đánh giá ở mức tuân thủ, tức là việc áp dụng nguyên tắc này đã phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đã có một số ngân hàng thương mại Việt Nam đề nghị được mở chi nhánh ra nước ngoài, góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần ở nước ngoài (Agribank, Sacombank, Vietinbank, BIDV), do vậy, việc thiếu khung pháp lý quy định cho vấn đề này sẽ đồng nghĩa với việc không tuân thủ yêu cầu của Nguyên tắc 24 nói trên.
Với thực trạng nêu trên của việc tuân thủ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế về giám sát ngân hàng hiệu quả nói chung và việc áp dụng giám sát ngân hàng hợp nhất nói riêng, ta thấy những thiếu sót trong khung pháp lý cũng như quy định hướng dẫn thực hiện giám sát ngân hàng hợp nhất tại Việt Nam đang và sẽ trở thành một vấn đề lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng hệ thống giám sát ngân hàng hiệu quả của Việt Nam đáp ứng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.
2.2. Sự hình thành và phát triển tự phát của các tập đoàn tài chính tại Việt Nam:
Tập đoàn tài chính có thể hiện diện dưới các hình thái sau đây:
(i) Tập đoàn mà trong đó ngân hàng là công ty mẹ thành lập các công ty con, công ty liên doanh, liên kết để hoạt động sang các lĩnh vực khác không thuộc phạm vi quản lý của cơ quan giám sát ngân hàng.
(ii) Tập đoàn tài chính là một nhóm những công ty dưới sự kiểm soát của một công ty mẹ tiến hành hoạt động chủ yếu trong 3 lĩnh vực là bảo hiểm, ngân hàng và chứng khoán.
(iii) Tập đoàn hoạt động đa ngành nghề: nghĩa là lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn này gồm cả lĩnh vực tài chính (ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán) và lĩnh vực phi tài chính (xây dựng, thương mại, đóng tàu,..).
Hiện tại ở Việt Nam, mô hình (i) đã và đang tồn tại rất phổ biến ví dụ như Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank, Sacombank, ACB,… Mô hình (ii) sẽ xuất hiện trong một tương lai gần khi BIDV được xây dựng xong mô hình tập đoàn tài chính thí điểm theo chỉ đạo của Chính phủ. Mô hình (iii) tồn tại một cách không chính thức nhưng tương đối phổ biến ví dụ như Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (trong đó có PG Bank là thành viên của tập đoàn),… Mặc dù, các tập đoàn ngân hàng này chưa được thừa nhận về mặt pháp lý tại Việt Nam (chưa có tư cách pháp nhân), tuy nhiên, bản chất và hình thái hoạt động của những nhóm công ty này (ngân hàng mẹ và các công ty trực thuộc, công ty liên doanh, liên kết hoặc công ty mẹ kiểm soát công ty con là ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán) chính là hoạt động của tập đoàn ngân hàng. Do đó, nếu cơ quan giám sát tài chính ở Việt Nam chưa có những biện pháp hiệu quả để giám sát các tập đoàn tài chính trên phương diện hợp nhất thì những ảnh hưởng trọng yếu của các thành viên trong tập đoàn tài chính (công ty con, công ty trực thuộc, công ty liên doanh, công ty liên kết, những tổ chức nắm quyền kiểm soát ngân hàng) rất có thể sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của của hệ thống tài chính (đặc biệt là hệ thống ngân hàng) và gây mất an toàn hoạt động cho các định chế tài chính tại Việt Nam.
Từ những yêu cầu cấp thiết của điều kiện thực tiễn khách quan nêu trên, ta thấy việc áp dụng giám sát hợp nhất đối với các tập đoàn tài chính tại Việt Nam là cần thiết và cần phải được khẩn trương tiến hành.
3/ Giải pháp áp dụng việc giám sát hợp nhất đối với an toàn hoạt động của các tập đoàn tài chính tại Việt Nam:
Từ những vấn đề nêu trên, tác giả bài viết xin đề xuất một số giải pháp sau đây để thúc đẩy quá trình áp dụng phương pháp giám sát tập đoàn tài chính trên cơ sở hợp nhất tại Việt Nam:
1. Đối với Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam: Xây dựng Luật Giám sát Tập đoàn tài chính theo hướng tuân thủ đầy đủ các thông lệ và chuẩn mực quốc tế (25 Nguyên tắc cơ bản của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng hiệu quả, Chuẩn mực Kế toán Quốc tế, Đạo luật Sarbane-Oxley,…) để từ đó tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc thực hiện giám sát tập đoàn tài chính trên phương diện hợp nhất.
2. Đối với Chính phủ: xây dựng lộ trình cải cách hệ thống các cơ quan giám sát tài chính ở Việt Nam theo hướng thống nhất việc giám sát ba khu vực Ngân hàng, Chứng khoán và Bảo hiểm về một đầu mối. Theo đó, xây dựng văn bản hướng dẫn cụ thể về giám sát hợp nhất tập đoàn tài chính.
3. Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
3.1. Nghiên cứu sửa đổi các văn bản hướng dẫn những quy định về an toàn hoạt động tổ chức tín dụng theo hướng áp dụng nguyên tắc giám sát hợp nhất vào việc xác định các chỉ tiêu về an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.
3.2. Ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể hóa cách tổng hợp số liệu kế toán của các tổ chức tín dụng để xác định các chỉ tiêu an toàn hoạt động trên phương diện hợp nhất.
3.3. Giám sát chặt chẽ việc thực hiện lập và nộp báo cáo tài chính hợp nhất của các tổ chức tín dụng cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 16/2007/QĐ-NHNN ngày 18/4/2007 của Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp cần thiết Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện việc chấp thuận đối với những đơn vị thực hiện kiểm toán độc lập các ngân hàng thương mại phải lập báo cáo tài chính hợp nhất để đảm bảo tính trung thực hợp lý của báo cáo tài chính hợp nhất.

Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Core Principles for Effective Banking Supervision-Basel Committee on Banking Supervision, 2011;
2. Supervision of financial conglomerates-Documents jointly released by the Basle Committee on Banking Supervision, the International Organisation of Securities Commissions and the International Association of Insurance Supervisors, 1999;
3. Tài liệu tọa đàm Dự án Từ đánh giá Các Nguyên tắc Cơ bản Basel tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Công ty Earnst&Young Việt Nam, Tháng 6/2011;
4. Hội nhập với các nguyên tắc kế toán và kiểm toán quốc tế – Đỗ Thùy Linh, năm 2005, NXB Chính