Lãi suất nội tệ LNH đã tăng mạnh, tăng khoảng 80 điểm so với phiên giao dịch ngày hôm qua, đứng ở mức 4,3-4,7%, xấp xỉ mức 4,75% – lãi suất vay từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh mua kỳ hạn giấy tờ có giá trên thị trường mở (OMO). Thanh khoản có xu hướng eo hẹp kể từ cuối tuần trước và có dấu hiệu động thái rút tiền của kho bạc tại hệ thống ngân hàng.
Nếu nhìn vào việc phát hành tín phiếu của NHNN từ giữa tháng 3 với mức lãi suất 3% kỳ hạn 1 tuần thì có thể thấy kỳ vọng của nhà điều hành vào lãi suất LNH sẽ quanh ngưỡng 3% này. Tuy nhiên, việc giao dịch vốn trên thị trường tiền tệ (MM) đột ngột tăng nóng trở lại không khỏi khiến thị trường hoang mang trong mục tiêu chính sách vĩ mô.
Trong khi tỷ giá ổn định suốt từ đầu năm, hiện tại đã nằm dưới mức 23.200 đồng/đô la – ngưỡng NHNN mua vào đô la, đồng nghĩa với NHNN tiếp tục mua ngoại tệ, đẩy tiền đồng ra thị trường. Còn kênh tín phiếu, hiện tại NHNN đang hút ròng khoảng 24.000 tỉ đồng, không phải là khối lượng lớn và sẽ tiếp tục đáo hạn nhiều trong tuần khi lãi suất tín phiếu đang thấp hơn nhiều so với lãi suất LNH. Thanh khoản eo hẹp thời điểm hiện tại khả năng cao là do Kho bạc rút tiền.
Năm 2018 đã chứng kiến giai đoạn kho bạc rút lượng tiền lớn khỏi hệ thống đẩy lãi suất lên một bằng mới. Như vậy có thể chính sách vĩ mô đang thiếu sự đồng bộ và liên kết, tiền tệ – tài khóa phải chăng đang thiếu đi sự tương tác?
Lãi suất LNH lên cao trong giai đoạn cuối tháng càng gây bất lợi cho hệ thống, khi nhu cầu vốn để đảm bảo dự trữ bắt buộc cho cả tháng tăng cao. Nhà điều hành cần có biện pháp hợp lý hơn để tránh thị trường gặp phải các cú sốc, đồng thời giữ lãi suất trên thị trường LNH trong tầm kiểm soát và mục tiêu đã đề ra.
Lãi suất trên thị trường tiền tệ có ảnh hưởng lớn tới chi phí vốn toàn bộ nền kinh tế, tác động tới cả lợi suất trái phiếu chính phủ và khả năng phát hành thành công trái phiếu của kho bạc.
Nguồn: thesaigontimes.vn