Một điểm chung bước đầu thể hiện, năm 2018, tăng trưởng tín dụng chung của ngành cũng như tại hầu hết các thành viên đều ở mức thấp, nhưng tăng trưởng lợi nhuận lại rất cao.
Đầu tuần tới dự kiến Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố cụ thể con số tăng trưởng tín dụng 2018 cũng như định hướng chung 2019, nhưng nhiều khả năng năm qua tín dụng tăng trưởng chỉ quanh 14%.
Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), thành viên đầu tiên công bố kết quả kinh doanh ước tính năm qua, theo nội dung hội nghị tổng kết năm tổ chức sớm, ngày 21/12 vừa qua, tín dụng ước tính cũng chỉ tăng trưởng khoảng 14% năm qua, nhưng lợi nhuận tăng mạnh.
Cụ thể, Sacombank ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2018 dự kiến đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đại hội đồng cổ đông giao. Theo đó, mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến đạt khá cao, ước tính hơn 47% so với năm 2017.
Sau năm 2017 với một loạt ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận đột biến, bước đầu cấp độ đó tiếp tục ghi nhận ở khá nhiều thành viên kết năm 2018, dù đây mới chỉ một phần của bức tranh lợi nhuận hệ thống năm qua.
Bất ngờ đầu tiên có ở Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), với tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao hơn hẳn mức độ đạt được nhiều năm trước. Và như điểm chung trên, tín dụng Vietcombank năm qua cũng chỉ tăng trưởng khoảng 14,9%.
Trong khi đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank ước tính đạt hơn 18.300 tỷ đồng, ước tăng trưởng tới 62% so với năm 2017.
Ở thành viên có tốc độ đột biến những năm gần đây, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh cơ bản, trong đó lợi nhuận trước thuế tăng gần 100% so với năm 2017, đạt 2.258 tỷ đồng.
Cùng với TPBank, trong năm 2017 có những thành viên đạt tăng trưởng lợi nhuận đột biến như Ngân hàng Quốc Tế (VIB), Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) cũng được kỳ vọng có kết quả lợi nhuận tốt năm qua.
Thông tin bước đầu cho thấy, VIB tiếp tục có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ở mức cao, lên tới khoảng 95% năm 2018 so với 2017, trong khi tại đây tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng khá thấp so với những năm trước với khoảng 17,5%. Còn HDBank dự kiến cũng đã vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm 2018, với tăng trưởng dự kiến đạt trên 60%…
Như trên, nhiều ngân hàng thương mại bước đầu cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao trên cơ sở tăng trưởng tín dụng thấp hơn những năm trước, do chính sách siết dần tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện chặt chẽ từ giữa năm 2018.
Bù lại, các ngân hàng thương mại đã và đang đẩy mạnh nguồn thu phi tín dụng, dịch chuyển tài sản sang các phân khúc có lãi biên cao hơn như tín dụng bán lẻ, bước đầu thúc đẩy nhân tố mới là ngân hàng số, cùng hoạt động đầu tư vốn, hoa hồng dịch vụ bảo hiểm…
Theo lộ trình, phải đến cuối tháng 1/2019 tất cả các ngân hàng thương mại mới công bố đầy đủ báo cáo tài chính năm 2018. Theo đó, kết quả những thành viên ước tính nói trên mới chỉ phản ánh một phần bức tranh chung, trong khi năm qua cũng đã có một vài trường hợp phải hạ chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận so với ban đầu.
Nguồn: vneconomy.vn