Chiến lược phát triển đa dạng
TCTD phi NH là loại hình TCTD được thực hiện một số hoạt động NH như là nội dung kinh doanh thường xuyên, nhưng không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không làm dịch vụ thanh toán. Tính từ năm 1991 khi TCTD phi NH được cấp phép thành lập tại Việt Nam, đến nay trải qua 27 năm, đã có 34 TCTD phi NH được thành lập và hoạt động.
Các NHTM đang trong giai đoạn đẩy mạnh tái cơ cấu nhưng vẫn rất quan tâm đến mô hình TCTD phi NH. Sau 2020, mở rộng chủ trương cấp phép, số lượng NH xin thành lập TCTD phi NH sẽ rất nhiều, vì lợi nhuận cao và các NH đang hướng tới củng cố, phát triển mô hình tập đoàn mẹ-con. Xu hướng phát triển của TCTD phi NH này chắc chắn sẽ thu hút nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào.
Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược NH |
Quá trình hoạt động của nhóm có thể chia thành 4 giai đoạn, gần nhất là từ năm 2011 đến nay. Tính đến tháng 6-2018, có 26 TCTD phi NH được NHNN cấp phép đang hoạt động, trong đó 16 TCTD phi NH đang hoạt động ổn định cung cấp dịch vụ ra thị trường, bao gồm 10 công ty tài chính và 8 công ty cho thuê tài chính. Số còn lại hoạt động thua lỗ kéo dài, một số công ty đang tiếp tục cơ cấu, chuẩn bị cung cấp dịch vụ trong thời gian tới.
TCTD phi NH nhìn chung có khả năng sinh lời tốt hơn so với các nhóm TCTD, biểu hiện qua tỷ suất lợi nhuận trên vốn (ROE) và tài sản (ROA). Tỷ lệ nợ xấu của TCTD phi NH tăng cao nhưng chủ yếu do nợ xấu ở một số TCTD phi NH yếu kém. Về quy mô vốn và tài sản, hiện các TCTD phi NH chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong hệ thống TCTD. Tính đến 31-5-2018, tổng tài sản có của các tổ chức này 143.726 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng tài sản hệ thống. Tổng vốn tự có của các TCTD phi NH (không tính các TCTD phi NH bị âm vốn) là 27.328 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,6% tổng vốn tự có của các TCTD.
Chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030, xác định giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển đa dạng các loại hình TCTD phi NH phù hợp thông lệ quốc tế và Việt Nam, nhằm tăng quy mô thị trường đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều khuyến nghị chính sách, liên quan đến sở hữu, các chuyên gia đề nghị cơ quan quản lý cần hoàn thiện chính sách về cấp phép đối với TCTD phi NH, nghiên cứu sửa đổi các điều kiện đối với cổ đông sáng lập của TCTD phi NH, cũng như quy định mức vốn pháp định phù hợp với mô hình TCTD phi NH.
Ảnh minh họa.
Vì sao khó thu hút nhà đầu tư?
Mặc dù TCTD phi NH có cầu về thị trường rất nhiều, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng, thẻ tín dụng, bán hàng, bao thanh toán, cho thuê tài chính. Nhưng cho đến nay, trong cơ cấu sở hữu của các TCTD phi NH chưa thu hút được nhóm sở hữu tư nhân (thể nhân và doanh nghiệp phi tài chính). Hiện xét trên cơ cấu sở hữu TCTD phi NH ở Việt Nam, có thể phân thành 3 nhóm: trong nước, 100% vốn nước ngoài và liên doanh. Các TCTD phi NH trong nước chủ yếu thuộc sở hữu các NHTM, tập đoàn, tổng công ty nhà nước. TCTD phi NH thuộc sở hữu doanh nghiệp phi tài chính/thể nhân (dưới hình thức công ty cổ phần), gần như chưa có sở hữu tư nhân.
Có nhiều nguyên nhân, trong đó có một số điểm chưa thỏa đáng trong cấp phép. Theo đó, TCTD phi NH có quy mô vốn nhỏ hơn, yêu cầu về kiểm soát rủi ro thấp hơn NHTM, nhưng quy định cấp phép lại bị áp dụng tương tự NHTM. Để có thể trở thành cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập của TCTD phi NH, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về vốn và tài sản tương đương với điều kiện để trở thành cổ đông sáng lập của NHTM (vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng).
Vướng mắc nữa là nhà đầu tư cũng chỉ được sở hữu một tỷ lệ vốn thấp như tỷ lệ sở hữu tại NHTM (không được vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD), trong khi yêu cầu về vốn tối thiểu của TCTD phi NH chỉ bằng 1/6 NHTM). Như vậy, nếu doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện góp vốn này, họ sẽ muốn được góp vốn vào NHTM, không góp vào TCTD phi NH. Đây là lý do hạn chế vai trò của sở hữu tư nhân – phi NH trong hệ thống TCTD phi NH.
Theo chiến lược phát triển ngành NH Việt Nam, sau năm 2020 nhiều NH sẽ thành lập TCTD phi NH. Và để thực hiện đúng lộ trình đã nêu, chắc chắn NHNN sẽ có những điều chỉnh quy định. Khi đó, các nhà đầu tư tư nhân và NHTM sẽ quan tâm nhiều đến mô hình TCTD phi NH.
Nguồn: saigondautu.com.vn