English
19/092023
Trái phiếu doanh nghiệp khó hồi phục trong năm nay

Cần khôi phục niềm tin nhà đầu tư để thị trường TPDN quay trở lại

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong thời gian tới, thị trường trái phiếu sẽ dần trở thành thị trường hợp lệ và an toàn hơn, bền vững hơn, từ đó đem lại lợi ích lớn hơn cho các nhà đầu tư, cũng như cơ hội để nền kinh tế có nguồn huy động vốn tốt hơn.

Tất nhiên, việc sửa đổi các nghị định để cải thiện thị trường trái phiếu còn phải tiếp tục được thực hiện. Rõ ràng, với quy định của Nghị định 65/2022/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ, các doanh nghiệp vẫn khó thực hiện.

Trong khi đó, Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về chào bán, giao dịch TPDN tại Nghị định 153 chỉ kéo dài đến hết năm nay. Ông Thịnh đánh giá, vẫn còn nhiều quy định chưa hợp lý, từ nay đến cuối năm cần phải tiếp tục được sửa đổi, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc phát hành trái phiếu. Từ nay đến cuối năm, cần phải có thêm việc sửa đổi Nghị định 65 cho phù hợp hơn với thực tế.

TS. Nguyễn Hữu Huân – Giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM lại cho rằng từ nay đến cuối năm, khó hồi phục thị trường TPDN, dù đã có nghị định hỗ trợ, vì đây là cuộc khủng hoảng về niềm tin. Để thị trường TPDN hồi phục, đòi hỏi niềm tin của nhà đầu tư phải quay trở lại.

Thế nhưng hiện tại, những vụ án nghiêm trọng liên quan đến trái phiếu chưa được xét xử và lượng vốn đang giữ trong các vụ án này rất cao. Do đó, rất khó để nhà đầu tư có thể lấy lại niềm tin, đầu tư vào thị trường này. Thị trường TPDN đang được nhìn nhận là thị trường lãi suất cố định nhưng rủi ro rất cao.

“Thêm nữa, trước đây, một số ngân hàng tư vấn mua TPDN cho khách hàng muốn gửi chứng chỉ tiền gửi hoặc sổ tiết kiệm, trong khi họ không có nhu cầu. Do đó, khi sự việc vỡ lẽ ra thì nguồn cầu cho trái phiếu càng giảm đi, vì trước đây hầu hết TPDN được bán qua kênh ngân hàng. Khi nguồn cầu không có thì rất khó để kênh TPDN hồi phục.

Những doanh nghiệp phát hành trái phiếu đa số là doanh nghiệp bất động sản, trong khi thị trường hiện nay có độ rủi ro cao nên nhà đầu tư hay ngân hàng cũng rất cân nhắc chuyện đầu tư vào thị trường này” – TS. Huân giải thích thêm.

Do vậy, những giải pháp của thị trường trái phiếu chỉ là giải pháp tình thế, còn về dài hạn, phải lấy lại được niềm tin của nhà đầu tư mới có thể hồi phục, chưa nói đến tăng trưởng.

Ngân hàng giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp

Khi thị trường TPDN rơi vào khủng hoảng, ngân hàng là những tổ chức nắm giữ cũng như phát hành nhiều nhất. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2023, lượng TPDN mà ngân hàng đang sở hữu sụt giảm rõ rệt.

Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, có 21 ngân hàng thuyết minh về TPDN đang nắm giữ. Tổng lượng TPDN các ngân hàng đang nắm giữ tính đến 30/06/2023 là 203,675 tỷ đồng, giảm gần 12% so với đầu năm.

TPDN ngân hàng đang nắm giữ. (Đvt: Tỷ đồng)

Nguồn: VietstockFinance

MB (MBB) là ngân hàng đang sở hữu nhiều TPDN nhất với 43,205 tỷ đồng, giảm 8% so với đầu năm. Trong đó, có 40,429 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán và 2,561 tỷ đồng chứng khoán đầu tư chờ đến ngày đáo hạn, dù cả 2 khoản này đều lần lượt giảm 7% và 22% so với đầu năm.

Xếp thứ hai là Techcombank (TCB), đang sở hữu 39,788 tỷ đồng TPDN, đều là chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, giảm 3% so với đầu năm.

VPBank xếp thứ ba khi nắm giữ 38,786 tỷ đồng TPDN, giảm 4%. Trong đó, 10,454 tỷ đồng là chứng khoán kinh doanh (+37%) và 28,332 tỷ đồng chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán (-14%).

Xét về tỷ lệ, Vietbank (VBB) là ngân hàng giảm nắm giữ TPDN nhiều nhất, chỉ còn 719 tỷ đồng chứng khoán đầu tư chờ đến ngày đáo hạn, giảm 82%.

Ở chiều ngược lại, HDBank (HDB) tăng nắm giữ TPDN 34% so với đầu năm, hiện đang sở hữu 5,773 tỷ đồng, do chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán tăng 28% lên 5,493 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh lý giải, lượng TPDN ngân hàng sở hữu giảm trong nửa đầu năm một phần do lượng lớn TPDN trong năm nay đến hạn. Thêm nữa, các ngân hàng cũng thấy rằng việc nắm giữ TPDN đang có rủi ro nên cần giảm đi.

TS. Nguyễn Hữu Huân bổ sung thêm: “Các ngân hàng cũng muốn giảm tỷ trọng nắm giữ TPDN bằng mọi giá, vì độ rủi ro của tài sản này đang khá cao. Đặc biệt là ở kỳ ĐHĐCĐ vừa qua, các cổ đông cũng đặt vấn đề một số ngân hàng sở hữu TPDN từ 10-20% vốn điều lệ cho 1 doanh nghiệp phát hành, điều này gây rủi ro lớn cho ngân hàng.

Thêm vào đó, lượng TPDN đáo hạn nhiều trong năm nay giúp ngân hàng thu hồi vốn về, trong khi ngân hàng không tiếp tục mua thêm vì đánh giá thị trường TPDN trong năm nay khá ảm đạm và rủi ro“.

Nguồn: Vietstock.vn