Trước đó, tháng 8/2018, Moody’s đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam được nâng từ “ổn định” lên “tích cực” phản ánh những cải thiện về chất lượng tài sản (chủ yếu do tiến trình xử lý nợ xấu diễn biến tích cực), thanh khoản ổn định, lợi nhuận của nhiều ngân hàng cải thiện… Sự tích cực đó đã được duy trì đến thời điểm tháng 11 này theo đánh giá của Moody’s.
Về kết quả xếp hạng mới nhất của Moody’s đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam (công bố ngày 08/11/2018 tại Singapore), Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV – TS. Cấn Văn Lực phân tích: “Theo dõi trong vòng 3 tháng vừa qua, thấy rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục duy trì được mức độ ổn định của trạng thái tích cực trước đây, nên Moody’s đã thay đổi nhận định như vậy với hi vọng trong vòng 12-18 tháng tới, nếu như thị trường ngân hàng Việt Nam có những tiến triển tốt thì họ sẽ tiếp tục nâng hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Và tôi kì vọng điều này là khả thi, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tích cực từ kinh tế vĩ mô cũng như hệ thống ngân hàng”.
Cụ thể, tại báo cáo công bố ngày 8/11/2018 vừa qua, Moody’s thay đổi triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức “tích cực” là B1 lên mức “ổn định” là Ba3. Như vậy, xếp hạng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam có sự cải thiện. Việc điều chỉnh này dựa trên kết quả đánh giá 6 tiêu chí: Môi trường hoạt động (ổn định); rủi ro tài sản (cải thiện), vốn (ổn định); thanh khoản (ổn định); lợi nhuận và hiệu quả (cải thiện); và sự hỗ trợ của chính phủ (ổn định).
Những căn cứ cụ thể cho nhận định của Moody’s về triển vọng 12-18 tháng tới của hệ thống ngân hàng Việt Nam bao gồm:
(i) Về môi trường hoạt động: tăng trưởng kinh tế Việt Nam kỳ vọng tiếp tục ở mức khá cao (6,5-6,7%), là mt trong những quốc gia có mức tăng trưởng mạnh trong khu vực ASEAN, đây là điều kiện quan trọng hỗ trợ môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng.
(ii) Theo đó, chất lượng tài sản (chủ yếu là tín dụng) của các ngân hàng Việt Nam sẽ được cải thiện, vì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với đà tăng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hộ gia đình, giúp cải thiện khả năng trả nợ của người vay và cho phép các ngân hàng đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu cũ, đồng thời kiểm soát nợ xấu phát sinh tốt hơn.
(iii) Nguồn vốn hóa của các ngân hàng cũng sẽ tương đối ổn định. Tăng trưởng tiền gửi của các ngân hàng khá cao, làm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vốn nhạy cảm với thị trường, chẳng hạn như các khoản vay liên ngân hàng. Khi tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng vốn huy động, tỷ lệ cho vay so với vốn huy động của các ngân hàng sẽ được duy trì ổn định.
(iv) Lợi nhuận, khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ tốt hơn vì biên lãi suất sẽ tiếp tục được cải thiện, khi các ngân hàng thúc đẩy hoạt động cho vay trong lĩnh vực bán lẻ, phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, chi phí tín dụng (thể hiện dưới dạng dự phòng rủi ro) sẽ giảm khi ngày càng nhiều ngân hàng có khả năng giảm lượng nợ xấu và nợ có vấn đề.
(v) Mặc dù vậy, Moody’s cũng khuyến cáo tăng trưởng tín dụng cao trong vài năm gần đây có thể dẫn tới sự suy giảm chất lượng tài sản về lâu dài, mặc dù tình trạng này ít có khả năng xảy ra trong giai đoạn 12-18 tháng tới.
Trước đó, hồi giữa tháng 8 vừa qua, Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service đã tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam, sau khi nâng điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cách đó ít hôm. Việc đánh giá tích cực hơn đối với các ngân hàng Việt Nam thể hiện nhìn nhận của Moody’s rằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ hỗ trợ chất lượng tài sản và lợi nhuận của các ngân hàng.
Tiếp đó, trong báo cáo công bố ngày 30/10, Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức ổn định lên tích cực trong 12-18 tháng tới. Moody’s cho biết động thái này phản ánh triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam và triển vọng tích cực đối với hầu hết các ngân hàng Việt Nam được Tổ chức này đánh giá tín nhiệm.
Nguồn: Trí thức trẻ/CafeF.vn