English
09/062020
Từ bán lẻ đến tài chính, dấu hiệu phục hồi bắt đầu rõ ràng

Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm sau đại dịch

Ở nhiều nơi khác trên toàn cầu, chính phủ các nước mới chỉ bắt đầu nới lỏng các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19 và mở lại các hoạt động kinh tế, thậm chí một số nước còn xem xét tới việc tiếp tục các biện pháp phong toả để tránh lây lan mới. Tại Việt Nam, một trạng thái bình thường mới đã được thiết lập khi các trường học và hoạt động sản xuất kinh doanh đã bắt đầu trở lại sau Ngày Quốc tế Lao động. Các thành phố lớn đã một lần nữa phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, nhưng dường như mọi người đều tạm hài long với thực trạng này hơn bao giờ hết sau ba tuần thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội.

Và khi cuộc sống trở lại bình thường, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5 đã tăng gần 27% so với số liệu của tháng 4, mặc dù vẫn thấp hơn khoảng 5% so với cùng kỳ, theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng ước tính tăng 11,2% so với tháng trước. Các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập cũng đã tăng hơn 36% so với tháng trước và 0,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Đối với một số nhà bán lẻ lạc quan như thương hiệu thời trang Nhật Bản Uniqlo, công ty này đã đi trước một bước để mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam khi cuộc sống bình thường đã trở lại nhanh chóng tại đây, với cửa hàng thứ tư vừa được khai trương tại Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu tháng 6. Uniqlo có lẽ đã đối phó với cuộc khủng hoảng tốt hơn so với các đối thủ, nhưng thực tế là họ đang đặt cược vào khả năng phục hồi của Việt Nam và người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu vào các mặt hàng cơ bản và thiết yếu.

Theo Euromonitor International, sự thay đổi lớn do đại dịch mang lại khiến người tiêu dùng phải đánh giá lại các ưu tiên cuộc sống của họ, đưa ra các giá trị và tiêu chí chi tiêu mới. Trong khi các thế hệ cũ giờ đã chuyển sang mua sắm trực tuyến, người tiêu dùng trẻ tuổi chuyển nhu cầu sang một số sản phẩm cần thiết hơn là đồ xa xỉ.

Ngân hàng ra tay hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân

Giống như ngành bán lẻ và sản xuất cho thấy dấu hiệu phục hồi, ngành tài chính ngân hàng cũng vậy, nhờ các biện pháp của chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và cá nhân vượt qua đại dịch, đẩy nhanh đầu tư cơ sở hạ tầng và kích thích tiêu dùng trong nước.

Từ giai đoạn đầu của đợt bùng phát, một gói tín dụng trị giá 250 nghìn tỷ đồng, tập trung vào giảm lãi xuất cho vay và cơ cấu lại thời hạn trả nợ, đã được các ngân hàng thương mại cam kết hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân. Ngân hàng Nhà nước thì đứng ở vị trí điều hành sẵn sàng bơm tiền để bảo đảm thanh khoản cho ngân hàng trong hoạt động cho vay đồng thời giải quyết các vướng mắc liên quan tới nợ xấu.

Việc cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay dễ dàng hơn với giá vốn rẻ hơn để hỗ trợ cho cả doanh nghiệp và cá nhân trong lúc khó khăn. Điều này có thể ít hay nhiều có lợi cho các công ty tài chính trong thời gian khủng hoảng, khi khách hàng có thể lựa chọn những khoản vay tiêu dùng vì dễ tiếp cận hơn so với với các khoản vay tại ngân hàng truyền thống.

Đối với những khách hàng muốn tiếp cập tín dụng nhanh để đáp ứng chi phí sinh hoạt hàng ngày, họ có thể sẽ lựa chọn các công ty tài chính tiêu dùng đáng tin cậy. Đối với một số khác, họ có thể chọn lựa nhiều hơn vào sử dụng thẻ tín dụng để tận dụng thời gian miễn lãi, để tạm thời bù đắp cho thu nhập bị mất hoặc bị giới hạn trong thời điểm hiện tại.

Nhìn chung, tại Việt Nam, người dân đã dần cảm thấy hài lòng hơn với trải nghiệm tài chính tiêu dùng của họ, theo một khảo sát năm 2019 của Fiin Group về sự hài lòng của khách hàng đối với các sản phẩm tài chính tiêu dùng.

Trong khi đó, đối với hoạt động của ngành tài chính ngân hàng trong năm tháng đầu tiên, một số tổ chức tín dụng dường như đã quản lý tốt khó khăn do Covid-19 với những kết quả khá khả quan. Chẳng hạn, Ngân hàng VPBank đã công bố lợi nhuận trước thuế hợp nhất (bao gồm công ty tài chính tiêu dùng FE Credit) với khoảng 5.100 tỷ đồng, hoàn thành 50% mục tiêu kinh doanh năm 2020 đã điều chỉnh.

Đối với những ngân hàng khác, các kết quả đầy tham vọng cũng đã được lên kế hoạch cho cuối năm 2020, cho thây sự đặt cược lớn vào triển vọng kinh tế tích cực trong nửa cuối năm. Ngân hàng HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế sẽ đạt trên 5.660 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước.

Mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới vẫn diễn biến khó lường, nhưng Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong khu vực mà Ngân hàng HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế tích cực cho năm 2020. Và theo Chỉ số tổn thương của các nước mới nổi của ngân hàng này, Việt Nam là nơi ít bị tổn thương nhất bởi các cú sốc vĩ mô.

Hơn thế nữa, theo HSBC, những bất lợi do Covid-19 tạo ra, và cả căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra, dù đang làm tổn thương rất nhiều nền kinh tế khác, sẽ đảo chiều thành lợi thế cho Việt Nam, khi nhiều công ty đa quốc gia đang chuyển chuỗi cung ứng tới đây, giúp tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân trong thời gian tới.

Nguồn: Nhịp sống kinh tế/CafeF.vn