VietinBank vốn dĩ là một trong những cái tên “hot” nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng từ trước đến nay, lại càng trở nên “nóng” hơn trong thời gian gần đây.
Bất ngờ rơi xuống vị trí thứ 7 về lợi nhuận
Trong hệ thống ngân hàng, VietinBank là 1 trong 4 “ông lớn” ngân hàng có sức ảnh hưởng lớn nhất và cũng có những chỉ số kinh doanh ấn tượng nhất. Xét riêng về lợi nhuận, VietinBank vài năm qua đều duy trì được vị trí vững chắc trong top 3 cùng với Vietcombank và BIDV. Thế nhưng năm 2018, nhà băng này đã rơi xuống vị trí thứ 7 trong bảng xếp hạng, phải đứng sau Vietcombank, Techcombank, VPBank, BIDV và cả hai cái tên hoàn toàn bất ngờ là MB hay Agribank. Nếu so với Vietcombank – ngân hàng những năm trước chỉ nhỉnh hơn VietinBank chút ít, thì năm qua lợi nhuận chỉ bằng có 1/3.
Vì sao vậy?
Nhìn vào báo cáo tài chính thì thấy tất cả đều do “tội đồ” quý 4 khi nhà băng này bị lỗ trước thuế đến 853 tỷ đồng, kéo kết quả lợi nhuận cả năm xuống chỉ còn 6.742 tỷ. Đồng thời, VietinBank cũng xếp vào trong nhóm hiếm hoi là 4 ngân hàng thua lỗ trong quý 4, cùng với Eximbank (lỗ 309 tỷ), VietCapital Bank (lỗ gần 84 tỷ) và Saigonbank (lỗ gần 70 tỷ).
Theo giải thích của lãnh đạo VietinBank thì nguyên nhân là bởi nhà băng này không tăng được tín dụng trong quý 4 do quy định chặt chẽ về an toàn vốn trong bối cảnh các phương án tăng vốn của họ vẫn chưa được phê duyệt. Không cho vay nổi ra thị trường khiến thu nhập lãi thuần của ngân hàng cả 3 tháng cuối năm chỉ đạt chưa đến 600 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 là hơn 7.100 tỷ.
Bên cạnh lợi nhuận giảm, dù tín dụng tăng chậm hơn nhưng chất lượng nợ của ngân hàng lại đi xuống. Tại thời điểm cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng (thị trường 1) tăng lên mức 1,56% thay vì 1,13% vào cuối năm 2017. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tức là nợ nhóm 3 tăng 71,7% so với đầu năm lên 2.135 tỷ đồng còn nợ nhóm 5 tức là nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến 81,5% lên 9.469 tỷ đồng. Tổng cộng nợ xấu của ngân hàng này lên đến 13.516 tỷ đồng, tăng thêm hơn 4.500 tỷ so với đầu năm và mất 70% nợ là có khả năng không thu hồi được.
Bí bách con đường tăng vốn
Nếu VietinBank là ngân hàng được nhắc đến rất nhiều gần đây do kinh doanh gặp khó thì “tăng vốn” lại là từ khóa cũng nóng không kém. Theo quy định hiện hành, các ngân hàng sẽ phải đáp ứng quy định về an toàn vốn theo Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (thường được gọi là Basel II phiên bản Việt Nam), với mức CAR tối thiểu là 8%. Và để đáp ứng quy định và tăng trưởng được thì chắc chắn phải tăng được nguồn vốn. Thế nhưng VietinBank từ năm 2016 tới nay với bao nhiêu kế hoạch đề ra nhằm bổ sung vốn điều lệ vẫn chưa làm được. Hệ số an toàn vốn của nhà băng này hiện chỉ ở mức 9,2%, không cách mức tối thiểu là 9% do NHNN quy định hiện hành là bao, còn nếu áp dụng theo chuẩn Basel II thì con số càng thấp hơn nữa, mà như các chuyên gia tài chính tính toán thì sẽ giảm đi đâu đó cỡ 1,5 – 3%, tức là không thể đáp ứng.
Vì sao VietinBank đến nay vẫn không tăng được vốn? Đó là bởi ngân hàng này không có nhiều lựa chọn như các nhà băng khác.
Chỉ còn một cách duy nhất là giữ lại lợi nhuận, chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng việc ấy lại không được tự quyết. Năm 2017, VietinBank từng xin đại hội đồng cổ đông thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, nhưng sau đó cổ đông Nhà nước lại yêu cầu trả bằng tiền mặt, thế là ngân hàng phải chi hàng nghìn tỷ đồng để trả cổ tức. Phương án tăng vốn vẫn bị treo từ đó tới nay.
Thử thách nào chờ đợi phía trước?
Tương lai của mỗi ngân hàng tất nhiên do ngân hàng đó lựa chọn và quyết định, nhưng với VietinBank bây giờ không hoàn toàn như vậy.
Câu chuyện tăng vốn có lẽ là cấp bách nhất. Tăng được vốn thì sẽ định được tương lai, tăng được vốn mới có thể kinh doanh tốt hơn và giành lại vị thế vốn có của mình. Và việc tăng vốn, nếu chờ Nhà nước điều chỉnh chính sách bằng việc nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài hay giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống thì quá xa vời, nên gần nhất, cũng là duy nhất chỉ có chờ cổ tức bằng cổ phiếu. Số liệu chốt năm 2018 cho thấy ngân hàng này có tới hơn 12.000 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại, nếu được chấp thuận phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu cỡ 10% thì nguồn vốn sẽ được gia tăng đáng kể.
Nếu không được chấp thuận giữ lại lợi nhuận để tăng vốn thì năm 2019 sẽ là một năm vô cùng khó khăn với VietinBank. Ngân hàng sẽ buộc phải có những điều chỉnh trong từng hoạt động để vừa đáp ứng các quy định của Nhà nước, đồng thời đảm bảo được tối ưu những quyền lợi cho cổ đông và người lao động. Một trong những điều chỉnh chắc chắn sẽ là chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng giảm đi, đổi lại là đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ và tăng cường khai thác những lợi thế sẵn có mà tốn ít chi phí, bên cạnh việc tích cực thu hồi nợ xấu. Nhưng khi tín dụng vẫn chiếm đa số trong tổng doanh thu thì các hoạt động phi tín dụng có nỗ lực cũng không thể trông chờ một sự bứt phá, bởi vậy rất có thể ông lớn ngân hàng này sẽ lại một năm nữa “bỏ cuộc chơi” cạnh tranh vị thế top đầu với những cái tên như Vietcombank, Techcombank, BIDV và VPBank.
Song theo giới quan sát, khả năng tăng được vốn năm nay có chút sáng sủa hơn các năm trước. Mới đây khi được diện kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng giám đốc của ngân hàng Mitsubishi UFJ Financial Group – MUFG – ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và là đối tác chiến lược sở hữu 15% vốn của VietinBank – cổ đông lớn thứ 2 ở VietinBank sau Nhà nước, đã có ý kiến trực tiếp với Chính phủ. Ông chủ tịch MUFG nói rằng việc tăng vốn là cấp thiết và họ sẵn sàng hỗ trợ VietinBank nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh cho ngân hàng, và rằng mong được Chính phủ Việt Nam ủng hộ. Việc tăng vốn cho VietinBank cũng sẽ đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trước đó nhiều lần, gần nhất là tại Hội nghị ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra đầu tháng 1 vừa qua với sự tham dự của Thủ tướng, người đứng đầu ở VietinBank cũng đã kiến nghị lên Chính phủ về việc giữ lại lợi nhuận để tăng vốn.
Nếu tăng được vốn, năm 2019 sẽ là một năm bứt phá của VietinBank. Khi có thêm nguồn vốn, ngân hàng sẽ gia tăng hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, với những nền tảng đã xây dựng được như đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ (năm 2018 tăng trưởng mảng dịch vụ tới 32%); nâng cao năng suất và giảm chi phí hoạt động; tích cực xử lý nợ xấu thì việc có thể “tiến ba bước” để sớm trở lại vị thế của các năm trước là hoàn toàn khả thi.
Kế hoạch cụ thể của ngân hàng trong năm nay cũng như việc tăng vốn có làm được hay không một phần sẽ do các cổ đông của nhà băng này bàn thảo tại đại hội cổ đông thường niên diễn ra vào nửa cuối tháng 4 tới.
Nguồn: cafef.vn