English
22/112018
Doanh nghiệp nhà nước chưa dẫn dắt nền kinh tế

Hôm qua 21-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một lần nữa, vấn đề làm thế nào để DNNN thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình đối với nền kinh tế đất nước, hạn chế tối đa những sai phạm, thất thoát tiếp tục được đặt ra.

Hôm qua 21-11, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Một lần nữa, vấn đề làm thế nào để DNNN thể hiện được vai trò dẫn dắt của mình đối với nền kinh tế đất nước, hạn chế tối đa những sai phạm, thất thoát tiếp tục được đặt ra.

Vẫn ì ạch với kế hoạch 
Đánh giá tình hình cơ cấu lại, các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế (TĐ), tổng công ty nhà nước (TCT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cho biết kết quả cổ phần hóa (CPH), thoái vốn thời gian qua đạt kết quả tích cực, khi giá trị thực hiện giai đoạn 2016-2018 gấp 2,5 lần giai đoạn 2011-2015.
Trong giai đoạn 2016-2018, CPH 145 DNNN, thoái vốn thu về trên 206.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều giai đoạn trước. Đến cuối năm 2017, tổng tài sản DNNN tăng 3%, vốn chủ sở hữu tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 26%, nộp ngân sách 219.469 tỷ đồng, tăng 5%.
 Người điều hành ở DN phải thể hiện vai trò của mình. Nếu quản trị tốt hơn DN sẽ đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế. Thua lỗ, thất thoát, sai phạm của DNNN là nỗi đau lớn. Hiện có DNNN có mười mấy cái sân sau, hay chuyện % khi cho vay tín dụng các khoản lớn… Do đó, cần tăng cường kiểm soát để hạn chế những điều này. Phải loại bỏ những sân sau của DNNN. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Trong 8 tháng năm 2018, doanh thu, lợi nhuận của các DNNN đều đạt trên 70% kế hoạch cả năm. Nhiều DN sau khi CPH, thoái vốn hoạt động hiệu quả như Vinamilk, VNPT, Vinatex… Đã có 106 DN sau CPH niêm yết trên thị trường chứng khoán. Năm 2017, tổng doanh thu của các DN này đạt gần 650.000 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ 2016; lợi nhuận sau thuế đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng 52%.

Tuy nhiên, dù đã sắp xếp lại số lượng lớn DN, nhưng tỷ trọng còn thấp. Số lượng DN giảm từ 12.000 xuống còn khoảng 600, chủ yếu là DN lớn, độc quyền và Nhà nước vẫn giữ khoảng 90% vốn điều lệ. Hiệu quả sản xuất của DNNN còn thấp so với nguồn lực nắm giữ. Năm 2016, nợ phải trả tăng 17%, 13 TĐ, TCT không có lãi, nhiều dự án thua lỗ kéo dài, điển hình như 12 dự án của ngành công thương.
Hàng loạt tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần tập trung xử lý, giải quyết trong CPH DNNN cũng đã được chỉ ra tại hội nghị, như những bất cập trong cơ chế, chính sách định giá quyền sử dụng đất trong xác định giá trị DN đến lựa chọn nhà đầu tư; từ hiệu quả sản xuất kinh doanh đến năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập; tình trạng thất thoát, tham nhũng đến công tác cán bộ…
 Thúc đẩy DNNN phát triển, mở rộng quy mô nhưng phải có lựa chọn để bảo đảm DNNN giữ vai trò quan trọng. Mặt khác, DNNN hoạt động chịu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, nên nhân sự lãnh đạo các TĐ, TCT cũng phải chấp nhận điều này. Các DNNN phải lấy thước đo bảo toàn vốn nhà nước làm kim chỉ nam cho hoạt động.
Ông Nguyễn Hoàng Anh,
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN

Về tiến độ CPH, kế hoạch giai đoạn 2017-2020 CPH 127 DN, nhưng đến nay mới CPH được 27/127 DN, chỉ đạt 21%. Còn theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, năm 2018 phải hoàn thành CPH ít nhất 85 DN (có 21 DN thuộc danh mục năm 2017), nhưng đến ngày 18-11-2018 mới CPH được 12 DN.

Về kế hoạch thoái vốn, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, nhưng lũy kế đến nay chỉ có 31 đơn vị thực hiện. Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Về tình hình chuyển giao quyền đại diện vốn nhà nước về TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, danh mục DN thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC giai đoạn 2017-2020 là 62 DN, với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng thực hiện thoái vốn. Song tính đến hết tháng 11-2018, các bộ, ngành, UBND các tỉnh mới hoàn thành chuyển giao về SCIC 27/62 DN; 35 DN chưa chuyển giao với tổng số vốn nhà nước 10.107 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 14.706 tỷ đồng tại 5 bộ và tỉnh thành.
Phải vượt qua tư duy cũ
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, cho rằng hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.
Cùng chủ trương, cơ chế, chính sách nhưng có nơi thực hiện tốt, có nơi chậm trễ, làm mãi không xong, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài. Chúng ta phải quyết tâm vượt qua tư duy cũ, quyết tâm nói không với tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm đang là rào cản quá trình cơ cấu lại DNNN.
 Hiện chúng ta đang tái cơ cấu DNNN đơn lẻ, tới đây nên tái cơ cấu theo nhóm DN, theo chuỗi giá trị sản xuất. Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại DN cần nghiên cứu theo hướng này để hiệu quả tái cơ cấu lớn hơn. Khi việc thoái vốn được đẩy nhanh tiến độ mới bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư. Từ đó, quản trị DNNN mới được thay đổi, bảo đảm DN vận hành một cách minh bạch, hiện đại.
Ông Nguyễn Chí Dũng,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư

Theo ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐTV TĐ Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), do có những sai phạm nên khi nhắc đến DNNN nhiều người xem như là tội đồ vì làm ăn thua lỗ, thất thoát. Ông mong muốn truyền thông giúp làm rõ điều này. Bởi quá trình CPH, tái cơ cấu DNNN phải hiệu quả để bảo đảm DNNN vẫn giữ vai trò chủ đạo của nền kinh tế. Trong khi đó, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch TĐ Bưu chính viễn thông (VNPT), cho biết sau khi tái cơ cấu, mỗi năm lợi nhuận của TĐ đều tăng 20%.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, cũng cho biết đến nay ủy ban này đã tiếp nhận đầy đủ 19 TĐ, TCT, với tổng tài sản ước tính lên tới 2,3 triệu tỷ đồng. Ủy ban đã nắm được tình hình hoạt động của các DN, nhìn chung có triển vọng tốt, trong đó có nhiều đơn vị dự kiến vượt mức lợi nhuận trong năm 2018.
Lãnh đạo SCIC cũng cho rằng, phải kiên định thể chế, chính sách, không phải vì ý kiến này kia mà thay đổi. Khi có những sai phạm xảy ra phải đánh giá khách quan. Thí dụ có những sai phạm ở những dự án riêng lẻ, không phải là tổng thể hoạt động của DN, cần đánh giá đúng bản chất sự việc, giúp DN không bị hoang mang, nhụt chí.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Nói về trách nhiệm người đứng đầu trong việc CPH, thoái vốn, ông Trần Mạnh Hùng chia sẻ: “Khi tái cơ cấu cũng còn nhiều băn khoăn, nhưng vấn đề là người đứng đầu phải dám làm dám chịu trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chấp nhận rủi ro. Mong Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp các TĐ, TCT hoàn thành tốt vai trò đi đầu, dẫn dắt nền kinh tế”.
Doanh nghiệp nhà nước chưa dẫn dắt nền kinh tế ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên lề Hội nghị. Ảnh: VIẾT CHUNG 

Còn Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng phải hoàn thành danh mục thoái vốn theo đúng tiến độ trong năm 2018-2020. Trường hợp không triển khai thoái vốn đúng tiến độ đối với những danh mục đã được duyệt, cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước có trách nhiệm chuyển giao về SCIC để tổ chức thoái vốn theo quy định trước 31-12-2018. Kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tái khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của DNNN hết sức cần thiết cho nền kinh tế, không chỉ ở Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng có DNNN để điều tiết nền kinh tế. DNNN làm những lĩnh vực DN tư nhân không làm được, hoặc dẫn dắt, khai phá những lĩnh vực quan trọng, cầm trịch nền kinh tế. Thí dụ, DNNN phải nắm điện lực, năng lượng, an ninh, quốc phòng, cảng biển, sân bay…
Thủ tướng nêu rõ quan điểm: Chúng ta phát triển DNNN theo nguyên tắc thị trường, không mệnh lệnh hành chính, không hành chính hóa, trừ một số việc Nhà nước phải chỉ đạo, kiên quyết điều hành theo nguyên tắc này. Những sai phạm ở DNNN vừa qua trong quá trình CPH DNNN, theo Thủ tướng phải chấn chỉnh. Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý, khắc phục các yếu kém để quản lý DNNN, làm sao để DNNN ngày càng lớn mạnh chứ không phải teo tóp đi.
Thủ tướng cũng cho rằng, DNNN chưa làm tốt vai trò đi đầu, dẫn dắt nền kinh tế, đi trước đón đầu khoa học công nghệ. Trong số các nguyên nhân khiến DNNN còn yếu kém, nhất là trong CPH, Thủ tướng cho rằng còn tư tưởng muốn yên vị, sợ động chạm lợi ích.
“Tâm lý sợ mất vị trí, yên vị khi CPH đang cản trở quá trình tái cơ cấu DNNN” – Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu không thực hiện CPH, thoái vốn đúng kế hoạch.
Nguồn: saigondautu.com.vn