Mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam được nâng lên mức "tích cực" và giữ vững mức xếp hạng BB.
Ngày 9/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings thông báo nâng triển vọng tín nhiệm quốc gia Việt Nam từ mức “ổn định” lên “tích cực”. Mức xếp hạng của Việt Nam vẫn duy trì ở “BB”.
Lý do để Fitch nâng tín nhiệm đến từ ghi nhận Việt Nam có sự cải thiện về quản lý kinh tế. Điều này thể hiện trong việc củng cố bộ đệm bên ngoài từ thặng dư tài khoản vãng lai, mức nợ chính phủ giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát ổn định.
Theo đánh giá của Fitch, Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết liệt thực hiện cam kết củng cố tài khóa và kiềm chế nợ công, và đã thành công trong việc đưa nợ Chính phủ từ mức 53% GDP năm 2016 xuống khoảng 50,5% GDP vào cuối năm 2018.
Tổ chức này kỳ vọng nợ Chính phủ của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm xuống còn khoảng 46% GDP vào năm 2020. Nợ công của Việt Nam theo tính toán của Fitch cũng giảm xuống còn khoảng 58% GDP vào cuối năm 2018 (trong bối cảnh chỉ tiêu nợ công tiệm cận mức trần 65% GDP được Quốc hội cho phép vào cuối năm 2016).
Bên cạnh đó, điều này còn có sự đóng góp của việc kìm hãm bội chi ngân sách thấp hơn dự toán, thực hiện chủ trương siết chặt cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới, cũng như tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và thâm hụt tài khóa thấp hơn.
Tuy nhiên, tổ chức này cho rằng ước tính nợ và thâm hụt của Fitch, phù hợp hơn với tiêu chuẩn kế toán của Thống kê Tài chính Chính phủ (GFS), đưa thâm hụt ngân sách ở mức 3,6% GDP vào năm 2020, so với mục tiêu 3,5% GDP của chính phủ vào năm 2020 theo kế hoạch ngân sách trung hạn 2016-2020.
Trong thông cáo, để giữ mức xếp hạng BB, Fitch ghi nhận tỷ giá của Việt Nam được điều hành linh hoạt và có sự ổn định trong năm 2018. Tuy nhiên, can thiệp của Ngân hàng Nhà nước, sự mạnh lên của đồng USD, tâm lý nhà đầu tư mới nổi dẫn tới dẫn đến việc rút tạm thời dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, mức dự trữ chung trong năm 2018 đã tăng vào cuối năm.
Các yếu tố khác dẫn tới việc duy trì xếp hạng “BB” của Việt Nam như thanh khoản và hệ thống ngân hàng, dòng vốn FDI…
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam.
Đầu tháng 4, Standard & Poor’s (S&P) cũng nâng xếp hạng quốc gia dài hạn của Việt Nam từ BB- lên BB, với triển vọng ổn định. Xếp hạng tín nhiệm ngắn hạn được giữ nguyên ở B.
Fitch cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ chậm lại trong năm 2019 xuống còn khoảng 6,7% – vẫn nằm trong mục tiêu của Quốc hội.
Bởi theo tổ chức này, tăng trưởng ở Việt Nam – nơi có mức độ mở cửa thương mại cao, có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự tăng trưởng toàn cầu và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung – sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy và tình hình thương mại khu vực. Tuy nhiên, theo Fitch, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á-Thái Bình Dương và trong danh mục xếp hạng ‘BB’ trên toàn cầu. |
Nguồn: NDH