English
21/122018
GDP 2018 vượt mục tiêu: Tăng trưởng kinh tế không nhờ tăng trưởng tín dụng

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) khả năng tăng trưởng kinh tế (GDP) 2018 đạt 6,9- 7%, vượt chỉ tiêu 6,7%. Đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây và là năm ghi dấu ấn tăng trưởng kinh tế không nhờ vào tăng trưởng tín dụng… Đây là nội dung trong Báo cáo tổng quan thị trường tài chính năm 2018 vừa được NFSC công bố hôm qua (20/12).

GDP 2018 tăng 6,9- 7%

Quyền Chủ tịch NFSC, ông Trương Văn Phước nhận định: Năm 2018 tăng trường kinh tế toàn cầu có rất nhiều biến động. Trong đó, đáng chú ý là dù kinh tế Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản phát triển chậm lại, nhưng riêng nền kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và tiếp tục chứng tỏ là một trụ cột của tăng trưởng kinh tế thế giới. Qua đó, giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao 3,7%.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục đạt được một số thành tựu đáng ghi nhận; Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 6,9-7%, là mức cao nhất 10 năm nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; Nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì và củng cố. Lạm phát được kiểm soát dưới 3,6%, lạm phát cơ bản duy trì ổn định dưới 1,5%. Các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo, cán cân thanh toán quốc tế thặng dư cao, nợ công và cân đối ngân sách được kiểm soát đảm bảo các mục tiêu Quốc hội đề ra.

Bên cạnh đó, nền tảng tài chính tiếp tục được củng cố, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cung ứng vốn của thị trường tài chính chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào khu vực ngân hàng và gia tăng vai trò của thị trường vốn. Cung ứng vốn từ khu vực ngân hàng giảm nhưng hiệu quả và chất lượng hơn. Thanh khoản hệ thống được đảm bảo, lãi suất và tỷ giá ổn định. Thị trường chứng khoán tăng trưởng vượt bậc về quy mô với mức vốn hóa thị trường đạt 75% GDP, vượt chỉ tiêu đề ra của năm 2020…

Tăng trưởng nhờ thực lực

Phân tích mức tăng trưởng GDP 2018, ông Đặng Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, NFSC nhấn mạnh, tăng trưởng này là nhờ vào động lực chính là ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành dịch vụ; nông, lâm, thuỷ sản tăng trưởng tốt. Cụ thể, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp khoảng 2,5 điểm % vào tăng trưởng, ngành dịch vụ đóng góp khoảng 2,75 điểm % vào tăng trưởng.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Trường Đại học Fullbright Việt Nam cũng chỉ ra sự khác biệt của tăng trưởng GDP 2018. Nếu như năm 2017, xuất khẩu của Samsung đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP thì năm 2018 này, xuất khẩu  điện thoại, viễn thông, điện tử, thiết bị văn phòng… đều tăng trưởng chậm lại, 11 tháng chỉ tăng 11%. Trong khi năm nay, những ngành tăng trưởng mạnh là những ngành thay thế nhập khẩu như sản xuất ô tô, dược phẩm…

Về phía cầu, điểm khác biệt là năm nay tăng trưởng GDP 7%  mà không cần tăng trưởng mạnh từ tín dụng. “Năm 2017 tăng trưởng tín dụng 18%. Rất mừng là năm nay, tăng trưởng tín dụng chỉ 15%, trong khi tăng trường GDP khá cao. Điều này cho thấy tăng trưởng GDP của chúng ta đã không phụ thuộc vào tăng trưởng tín dụng như các chuyên gia vẫn lo ngại…” – ông Thành phát biểu.

Nhìn xa hơn, đặc biệt về tổng cầu, chuyên gia đến từ Trường Đại học Fullbright Việt Nam cho rằng, trong kiềng 3 chân của động lực tăng trưởng: Tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đầu tư, trong năm nay đều có sự chuyển động, nhất là tăng trưởng tiêu dùng dân cư. Về trung hạn tăng trưởng tiêu dùng dân cư rất quan trọng, sức mua của dân tăng hay giảm sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Xuất khẩu cũng sẽ tăng dư và thực tế cho thấy tăng trưởng xuất khẩu ròng hàng năm là động lực tăng trưởng kinh tế.

Theo chuyên gia này, điều băn khoăn đối với tăng trưởng trung hạn là đầu tư, đầu tư dài hạn của DN không có cải thiện, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân, trong khi đó đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2018 đã giảm hơn năm 2017. Cùng với đó, gánh nặng nợ của các tập đoàn tư nhân đến nay vẫn là ẩn số và chỉ số này cũng tác động đáng kể đến GDP.

Đồng tình với báo cáo của NFSC, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nguyên Chủ tịch NFSC, ông Lê Đức Thúy phân tích sâu hơn vì sao tăng trưởng GDP năm nay cao trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp. Theo đó, GDP tăng cao mà tăng trưởng tín dụng thấp có yếu tố là những khoản nợ xấu được thu hồi nên không tính vào khoản cho vay nữa. Bên cạnh tăng trưởng tín dụng thì các thị trường vốn như thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN cũng phát triển tạo điều kiện huy động vốn cho phát triển. “Nhưng chiều hướng của chúng ta là điều chỉnh tăng trưởng tín dụng  ở  mức thấp, đó là quyết sách đúng  để tăng trưởng thực sự bền vững…”- Chuyên gia này đánh giá…

Báo cáo của NFSC cũng đưa ra dự báo, năm 2019, kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% nhưng cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế. Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương mại; triển vọng tích cực từ các hiệp định thương mại thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và một số FTA khác… Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.

“Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam năm 2019 ít nhiều sẽ chịu tác động bởi yếu tố quốc tế biến động khó lường. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc diễn biến phức tạp và nhiều khả năng còn tiếp tục kéo dài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu. Do đó, ổn định tài chính cần tiếp tục được coi là một trong các ưu tiên trong điều hành chính sách 2019” – Báo cáo đã nêu rõ.

Nguồn: baophapluat.vn