Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2019 nền kinh tế có mức tăng trưởng khả quan. Đặc biệt là mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 9 tháng năm 2019 đạt cao nhất gần thập kỷ qua (6,98%). Riêng quý III, GDP tăng 7,31% so với cùng kỳ mặc dù kinh tế thế giới đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2019 duy trì ổn định, hoạt động của các ngành kinh tế có những tăng trưởng tích cực...
Tăng trưởng bền vững
Kết quả tăng trưởng 6,98% khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2019. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02% (cùng kỳ năm 2018 tăng 3,7%), đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2018 là: 13,94%; 33,50%; 42,51%; 10,05%).
Trên góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,20% so với cùng kỳ năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,68%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,41%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,78%.
Tiến độ thu ngân sách Nhà nước trong 9 tháng năm 2019 duy trì ổn định, chi ngân sách Nhà nước tiếp tục đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước
Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2019 ước tính đạt 1.028,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm, trong đó thu nội địa 824,6 nghìn tỷ đồng, bằng 70,3%; thu từ dầu thô 40,8 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 159,8 nghìn tỷ đồng, bằng 84,4%.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2019 ước tính đạt 962,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 691,9 nghìn tỷ đồng, bằng 69,2%; chi đầu tư phát triển 174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6%; chi trả nợ lãi 78,6 nghìn tỷ đồng, bằng 63%.
Thị trường tài chính tăng trưởng tích cực
Số liệu 9 tháng cho thấy, các ngành ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán có những tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế.
Tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,74%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,68% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,52%).
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý III/2019 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 23%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%. Tính chung 9 tháng năm 2019, doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 20% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 22%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 12%.
Thị trường chứng khoán có nhiều đóng góp trong việc huy động vốn cho nền kinh tế với tổng mức huy động vốn đạt 203,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đầu tư đạt mức tăng khá
Trong 9 tháng năm 2019, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt mức tăng khá 10,3% so với cùng kỳ năm 2018 (quý III ước tính đạt 556,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,5%). Trong đó khu vực kinh tế ngoài Nhà nước đạt 624,6 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư (45,3%) và đạt tốc độ tăng vốn cao nhất 16,9% so với cùng kỳ năm trước; vốn khu vực Nhà nước đạt 426,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% và tăng 3%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 327,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,7% và tăng 8,4%.
Tính đến thời điểm 20/9/2019, đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.789,8 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm trước.
CPI tăng thấp hơn dự báo
Điều đáng mừng là GDP tăng cao nhưng CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2018. Về cơ bản, CPI hiện đang được kiểm soát theo đúng hướng và thấp hơn dự kiến nên đã gia tăng dư địa cho việc điều chỉnh một số giá dịch vụ công vào cuối năm. Những yếu tố làm cho giá tiêu dùng tăng cao là do nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán tăng cao vào hai tháng đầu năm làm cho giá một số mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh như: Giá thực phẩm tăng 4,21%, trong đó, riêng giá thịt lợn tăng 8,04% làm cho CPI chung tăng khoảng 0,34% so với cùng kỳ năm trước; Giá các mặt hàng đồ uống, thuốc lá tăng khoảng 1,92% và các loại quần áo may sẵn tăng 1,75%; Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 3,17%; Giá du lịch trọn gói tăng 3,16%.
Bên cạnh đó, giá điện sinh hoạt điều chỉnh tăng từ ngày 20/3/2019 theo Quyết định số 648/QĐBCT ngày 20/3/2019 của Bộ Công Thương cùng với nhu cầu tiêu dùng điện tăng vào dịp Tết và thời tiết nắng nóng trong quý II/2019 và quý III/2019 làm cho giá điện sinh hoạt 9 tháng đầu năm 2019 tăng 7,69% so với cùng kỳ năm trước góp phần làm CPI chung tăng 0,18%.
Nguồn: phapluatplus.vn