English
15/032019
Giảm giá, nợ xấu vẫn ế

Trong thời gian gần đây, cơ quan sở hữu, quản lý các khoản nợ xấu muốn xử lý nợ xấu bằng cách giảm giá bán. Có nhiều tài sản đã được bán đi bán lại nhiều lần nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.

Chào bán ế nặng

Ngày 14/3, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng VAMC phát đi thông báo ủy quyền cho ngân hàng BIDV chi nhánh Đồng Tháp đấu giá 2 khoản nợ xấu. Các khoản nợ xấu này bao gồm tài sản 1 là nhà máy xay sát, lau bóng gạo tọa lạc ở bờ Bắc kênh Nguyễn Văn Tiếp, ấp 1, xã Mỹ Phong, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là khu đất rộng 5380,8 m2. Tài sản 2 cũng là một nhà máy xay sát gạo khác tại bờ Nam kênh Nguyễn Văn Tiếp, ấp 1, xã Phong Mỹ, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp. Tổng diện tích nhà máy này là 9170 m2, và bao gồm cả máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Tài sản 3 cũng là 1 nhà máy xay sát gạo tại tỉnh Đồng Tháp.

Cả 3 tài sản trên được rao bán với trị giá hơn 17 tỷ đồng. Đây là khoản nợ xấu mà BIDV Đồng Tháp rao bán chưa qua lần “đại hạ giá” nào.
Nói như vậy có nghĩa là, trên thực tế, nhiều khoản nợ xấu đã được rao bán 2, 3 lần, trải qua các lần giảm giá nhưng vẫn ế. Cụ thể mới đây, Sacombank đang thanh lý nợ xấu bất động sản. Ngân hàng này rao bán toàn bộ Dự án Khu nhà ở cao tầng và khu vui chơi thể dục thể thao tiểu khu 3 – Khu dân cư Bình Trị Đông, và một phần thửa đất số 122 tại phường Bình Trị Đông B được Sacombank rao bán với giá  6.029 tỷ đồng. Trước đó khoản nợ  này được Sacombank chào giá hơn 6.600 tỷ đồng.

Hay trước đó nữa, VAMC vừa tiếp tục có thông báo đấu giá về khoản nợ xấu của Công ty CP Tập đoàn Đông Thiên Phú vay tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) chi nhánh Sở giao dịch. Giá chào bán  là 137 tỷ đồng, trong khi trước đó khoản nợ này từng được rao với giá 144 tỷ đồng, 237 tỷ đồng.

Có tài sản chỉ đấu giá một lần là bán được, nhưng cũng có tài sản phải đấu giá đến 10 lần vẫn chưa có người mua, thậm chí hạ đến gần 50% giá trị vẫn không tìm được chủ nhân mới.

Chưa có lời giải

Theo phân tích của nhiều người, thông thường trong phiên đấu giá đầu tiên, ngân hàng sẽ tính toán đưa ra mức giá khởi điểm bằng cách cộng cả vốn gốc lẫn lãi suất và lãi phạt. Điều này khiến cho giá bán nợ xấu quá cao, ngân hàng khó đẩy đi được.

Và đến lần đầu giá thứ 2, theo quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về xử lý nợ xấu, ngân hàng có quyền giảm giá bán sản phẩm cho đến khi tìm được người mua. Thế nhưng thị trường mua bán nợ, người bán thì nhiều mà kẻ mua thì ít. Vì dẫu sao đã được xem là nợ xấu thì khó mà “ thành tốt” được.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, cốt lõi là do giá chào bán vẫn cao mà thị trường nợ chưa sôi động.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có chỉ đạo phải lên kế hoạch xử lý nợ xấu theo từng giai đoạn, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn, tài sản đảm bảo cho các khoản vay nợ này, khả năng thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương; thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42, đặc biệt trong trường hợp khách hành chây ỳ hoặc có thái độ không hợp tác; xử lý tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, các ngân hàng phải phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm. Tích cực tìm kiến đối tác mua nợ, đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định…

Cuối cùng là các ngân hàng phải thực hiện tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cho NHNN đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, các tổ chức tín dụng báo cáo cho nhà quản lý và kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể.

Nguồn: daidoanket.vn