Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (Ủy ban) được tiến hành trọng thể trên tinh thần đoàn kết, trí tuệ và hiệu quả với quyết tâm xây dựng Ủy ban trong sạch, vững mạnh.
Tham dự Hội nghị có đồng chí Vũ Nhữ Thăng, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban và đồng chí Nguyễn Văn Khách, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban; Đồng chí Nguyễn Tất Thái, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Ủy ban và các đồng chí trong Ban chấp hành công đoàn cơ sở Ủy ban; cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Ủy ban.
Sau khi nghe Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2023, kế hoạch công tác năm 2024; Báo cáo kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2022 và thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện kế hoạch công tác năm; báo cáo Tổng kết phong trào thi đua năm 2023 và phát động phong trào thi đua năm 2024; Báo cáo kết quả công tác nhiệm kỳ 2022-2024 và kế hoạch công tác giai đoạn 2024-2026 của Ban thanh tra Nhân dân, Hội nghị đã thảo luận, đóng góp ý kiến và nghe ý kiến trao đổi, tiếp thu, trả lời của Lãnh đạo Ủy ban, Hội nghị đã nhất trí thông qua:
Trong năm 2024, bám sát chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban tiếp tục quán triệt và tích cực triển khai các nhiệm vụ công tác theo kế hoạch đã được xây dựng, trong đó tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm dưới đây:
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát chung TTTC, trong đó tập trung vào: (i) Hoàn thành các báo cáo giám sát tài chính định kỳ đúng tiến độ với chất lượng cao; (ii) Nâng cao chất lượng giám sát thông qua nâng cao năng lực phân tích, dự báo, cảnh báo rủi ro đối với hệ thống các tổ chức tài chính, nhất là các tổ chức tín dụng; (iii) Theo dõi sát và đánh giá các vấn đề nổi cộm hoặc rủi ro của TTTC nói chung và từng khu vực TTTC như: (a) lĩnh vực ngân hàng: định hướng tăng trưởng tín dụng 2024, tăng trưởng tín dụng vào các ngành kinh tế, đặc biệt là tín dụng vào lĩnh vực bất động sản; nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu; thanh khoản và diễn biến lãi suất; hoạt động đầu tư TPDN và tham gia phân phối TPDN; rủi ro liên thông giữa hệ thống TCTD với các lĩnh vực khác trong TTTC và nền kinh tế; (b) lĩnh vực chứng khoán: tình hình thị trường TPDN riêng lẻ, áp lực đáo hạn đặc biệt TPDN BĐS, chất lượng TPDN riêng lẻ; khả năng nâng hạng TTCK Việt Nam; chất lượng tài sản và an toàn tài chính của CTCK; khả năng vận hành thông suốt, ổn định, an toàn của hệ thống giao dịch chứng khoán KRX; hiện tượng, dấu hiệu vi phạm trên TTCK trong đó có hành vi thao túng thị trường; diễn biến dòng vốn gián tiếp nước ngoài; rủi ro liên thông giữa lĩnh vực chứng khoán và ngân hàng, bảo hiểm, BĐS; (c) lĩnh vực bảo hiểm: tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm; tình hình hoạt động của hệ thống DNBH (chất lượng tài sản, khả năng sinh lời), đặc biệt là các DNBH được chuyển nhượng cho nhà đầu tư mới không phải là tổ chức chuyên nghiệp về bảo hiểm hoặc NHTM; tỷ lệ biên khả năng thanh toán của các DNBH; tình hình đầu tư tài chính của hệ thống các DNBH; (iv) Đẩy mạnh phối hợp, trao đổi thông tin về kinh tế – tài chính để đảm bảo nhất quán về số liệu và thống nhất về quan điểm phân tích, nhận định; Tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến đối với các đề án, báo cáo của các bộ, ngành liên quan đến định hướng, chiến lược và cơ chế, chính sách phát triển TTTC (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm).
Tập trung nâng cao chất lượng công tác tham mưu Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phân tích, đánh giá, dự báo tác động của TTTC đến kinh tế vĩ mô và tác động của chính sách kinh tế vĩ mô đến TTTC, trong đó tập trung vào: (i) Chủ động nắm bắt tình hình và đánh giá tác động của diễn biến kinh tế và TTTC trong nước và quốc tế (đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm và căng thẳng địa chính trị ở một số khu vực/quốc gia vẫn tiếp diễn) để kịp thời nghiên cứu, phân tích, đánh giá tác động đến kinh tế và ổn định tài chính Việt Nam, trong đó tập trung vào: theo dõi sát diễn biến điều hành chính sách (đặc biệt là lãi suất điều hành) của các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…; phân tích, làm rõ các động lực tăng trưởng, đặc biệt là giải ngân đầu tư công, triển vọng xuất khẩu, tiêu dùng trong nước; đánh giá áp lực tỷ giá năm 2024…; qua đó, tham mưu, đóng góp ý kiến về việc ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; (ii) Đẩy mạnh hoàn thiện và ứng dụng các chỉ số, công cụ trong dự báo, cảnh báo ổn định kinh tế vĩ mô; (iii) Tăng cường xây dựng báo cáo chuyên đề về kinh tế – tài chính vĩ mô để kịp thời phục vụ công tác điều hành chính sách của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan.
Tiếp tục cập nhật, hoàn thiện và cải tiến hệ thống cơ sở dữ liệu giám sát tài chính quốc gia về các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; tập trung nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp công nghệ để nâng cao chất lượng thu thập, phân tích, xử lý thông tin phục vụ giám sát từng định chế tài chính, giám sát chung/tổng thể hệ thống tài chính, giám sát hợp nhất hoạt động của các định chế tài chính hoạt động theo mô hình “tập đoàn tài chính” một cách độc lập, khách quan; triển khai việc nâng cấp Hệ thống thông tin giám sát tài chính quốc gia và xây dựng Trung tâm dữ liệu dự phòng thảm họa từ xa (sau khi được VPCP cấp kinh phí năm 2024).
Tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế giữa Ủy ban và các cơ quan trong mạng an toàn tài chính của các nước trong khu vực và trên thế giới cũng như các tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB, BIS… trong lĩnh vực giám sát TTTC cũng như tổ chức đoàn khảo sát[1] nhằm trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ và nâng cao năng lực hoạt động của Ủy ban; triển khai hiệu quả Dự án “Nâng cao năng lực cảnh báo sớm và quản lý rủi ro cho khu vực tài chính Việt Nam” do KOICA tài trợ trong năm 2024 và các năm tiếp theo (tổ chức đoàn công tác tại Hàn Quốc; tiếp tục phối hợp làm việc với nhóm chuyên gia xây dựng mô hình cảnh báo sớm của Hàn Quốc để hoàn thiện mô hình cảnh báo sớm TTTC cho Việt Nam và mô hình thử nghiệm sức căng TTTC Việt Nam; tổ chức khóa đào tạo phục vụ cho xây dựng và vận hành mô hình cảnh báo sớm, mô hình thử sức căng; tổ chức hội thảo quốc tế).
Tiếp tục rà soát, kiện toàn bộ máy và nhân sự theo tinh thần Nghị quyết TW 6 khóa XII; tổ chức tuyển dụng cán bộ và tăng cường công tác luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; củng cố và tăng cường mạng lưới cộng tác viên, trong đó chú trọng phát triển đội ngũ chuyên gia.
Tăng cường ứng dụng CNTT và áp dụng các quy trình ISO trong quản trị nội bộ, quản lý và tổ chức các hoạt động tại Ủy ban; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ (đặc biệt là khai thác hệ thống e-Office) trong công tác điều hành công việc, luân chuyển văn bản, quản lý cán bộ, quản lý tài sản, phương tiện, văn thư lưu trữ và số hóa tài liệu lưu trữ tại Ủy ban; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế nội bộ; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn và bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan đúng quy định… Nâng cao kỷ cương, kỷ luật làm việc, tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học và hiệu quả, tạo không khí thi đua góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện tốt công tác Đảng, đặc biệt trong việc phối hợp chỉ đạo, điều hành các mặt công tác của Ủy ban; phát huy phong trào đoàn thể (Công đoàn, Đoàn thanh niên) trong việc huy động, động viên cán bộ, công chức, viên chức người lao động tham gia thi đua, nỗ lực hoàn thành tốt hơn công việc.
2.1. 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, trong đó 20% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
2.2. 100% tập thể đạt Tập thể lao động tiên tiến.
2.3. 100% cán bộ, công chức, người lao động đăng ký học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
2.4. 100% cán bộ, công chức, người lao động tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; thực hiện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các nội quy, quy định của Ủy ban.
2.5. 100% cán bộ, công chức, người lao động đăng ký tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan.
2.6. 100% cán bộ, công chức, người lao động cam kết thực hiện tốt việc xây dựng cơ quan văn hóa, văn minh; xây dựng cơ quan, Chi bộ, Công đoàn và các đoàn thể vững mạnh.
Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia năm 2023 khẳng định: Với tinh thần dân chủ, đoàn kết, nhất trí, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban quyết tâm phấn đấu xây dựng Ủy ban trong sạch, vững mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm của Ủy ban trong năm 2024 cũng như những định hướng lớn của Ủy ban trong thời gian tới.
Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban năm 2023 được 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ủy ban tham dự Hội nghị biểu quyết nhất trí thông qua.
Hội nghị đã bầu ra Ban Thanh tra Nhân dân giai đoạn 2024-2026.
Tại Hội nghị, Ban Lãnh đạo Ủy ban cũng đã tiến hành trao Bằng khen Thủ tướng cho các cá nhân được tặng thưởng năm 2023.
và ký giao ước thi đua giữa Đại diện Lãnh đạo và Công đoàn Ủy ban.
BBT